[embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]
Dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các vụ địa phương của Ban Tổ chức TW, Ủy ban Kiểm tra TW và Văn phòng TW Đảng; lãnh đạo các sở Nông nghiệp và PTNT, Nội vụ, Sở Giao thông - Vận tải. Đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trong ngày làm việc đầu tiên (17/2), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào 5 đề án, báo cáo: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2011-2015; Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, giai đoạn 2011-2015; Nâng cấp cơ sở sản xuất giống cây nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2015; Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, giai đoạn 2011-2015 và Báo cáo công tác quy hoạch, triển khai thực hiện giai đoạn I vùng hồ Núi Cốc, Trung tâm hành chính, Khu đô thị phía Tây T.P Thái Nguyên.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án Cải cách hành chính là nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Trọng tâm của cải cách hành chính là cải cách việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng dịch vụ do cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp. Về Đề án Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, giai đoạn 2011-2015 phấn đấu ổn định diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2015 đạt 18.500 ha, trong đó, 80% sản xuất chè xanh, 20% diện tích sản xuất nguyên liệu chè đen; năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng đạt 200 ngàn tấn chè búp tươi. Giải pháp về khoa học công nghệ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) trong sản xuất chè búp tươi. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Đề án trong 5 năm là 505,3 tỷ đồng. Mục tiêu của Đề án Nâng cấp cơ sở sản xuất giống nông, lâm nghiệp, thủy sản là nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo hướng CNH-HĐH để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất một cách bền vững. Đối với Đề án Kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT), theo đánh giá, tình hình TNGT liên tục gia tăng từ năm 2006 đến nay. Các giải pháp được đưa ra là tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATGT; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý các phương tiện và người điều khiển giao thông; phát triển năng lực cứu hộ và cấp cứu y tế TNGT và kiện toàn tổ chức thực hiện công tác ATGT.
Đóng góp ý kiến vào Đề án Cải cách hành chính, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng, đánh giá công tác cải cách hành chính của tỉnh những năm qua mới chỉ tập trung một chiều phía các cơ quan quản lý Nhà nước, mà chưa có kênh thông tin phản ánh ý kiến của người dân, doanh nghiệp về vấn đề này. Vì vậy, mặc dù dư luận phản ánh nhiều về tinh thần, thái độ của một bộ phận cán bộ ở các cơ quan công quyền song việc xử lý những cán bộ vi phạm còn ít; việc triển khai một số văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước còn chậm; một số thủ tục còn phiền hà với người dân, doanh nghiệp; chất lượng một bộ phận cán bộ chưa đạt yêu cầu. Về nhiệm vụ cải cách hành chính tới đây nên ưu tiên hàng đầu trong xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Song song với việc khen thưởng cần xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ có biểu hiện sách nhiễu đối với nhân dân, doanh nghiệp. Với Đề án Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, các đại biểu cho rằng, đây là đề án tích cực hướng tới Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất – Thái Nguyên 2011. Do đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng về chè, các mô hình về trạm chè; nhất là trong khu vực T.P Thái Nguyên và một số khu vực chuyên canh. Khi quy hoạch nên xây dựng phố chè với những quán trà đặc sản; khuyến khích việc kiện toàn, thành lập và đưa vào hoạt động các hiệp hội chè, các câu lạc bộ trà để quảng bá và phát triển văn hóa trà Thái Nguyên. Về Đề án Kiềm chế và đẩy lùi TNGT, trong 6 giải pháp, có đại biểu cho rằng, cần nhấn mạnh giải pháp tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã.
Kết luận các nội dung này, đồng chí Phạm Xuân Đương đề nghị: Đối với Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phải bám sát vào mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về phát triển kinh tế - xã hội; các ngành, các cấp cần cụ thể hóa vào nhiệm vụ của đơn vị mình để đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, nhằm xây dựng nền hành chính vững mạnh, chuyên nghiệp hóa; nâng cao năng lực ban hành quy phạm pháp luật của các cơ quan tham mưu. Về Đề án Phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè cần đổi tên Đề án thành “Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè”, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phần giải pháp cần nhấn mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Về Đề án Nâng cấp cơ sở sản xuất giống cây nông, lâm, thủy sản, phải sửa tên thành “Nâng cao năng lực sản xuất giống nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2015”. Cần bổ sung nội dung phòng, chống dịch bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền, bố trí ngân sách, có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Về Đề án Kiềm chế và đẩy lùi TNGT, đồng chí đề nghị nhấn mạnh giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, có chỉ tiêu cụ thể hàng năm… Đối với Báo cáo công tác quy hoạch, triển khai thực hiện giai đoạn I vùng hồ Núi Cốc, Trung tâm hành chính, khu đô thị phía Tây T.P Thái Nguyên, yêu cầu ngành Xây dựng bổ sung vào báo cáo các quy hoạch, các dự án lớn trọng điểm của tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện.
Cũng trong chương trình làm việc, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.
Ngày mai, Hội nghị tiếp tục làm việc.