P.V: Xin đồng chí cho biết về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế là chủ trương lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp, doanh nhân góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Vì vậy, vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn đối với nền kinh tế - xã hội địa phương cũng như đất nước.
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian qua?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000 doanh nghiệp. Đây là lực lượng có vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Với sự chỉ đạo, trợ giúp có hiệu quả của các cấp, ngành từ Trung ương, địa phương và sự nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định được mình, đem lại hiệu quả rõ nét và được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, làm tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh toàn bộ hệ thống kinh tế. Ngày nay, khi xây dựng nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, nhất là trước yêu cầu hội nhập, cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Vì thế, các doanh nghiệp luôn tìm hướng đi mới và khẳng định vị thế của mình trên thương trường. Chính sự cạnh tranh này góp phần làm giảm giá hàng hóa, nâng cao chất lượng và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội;
Thứ hai, doanh nghiệp là lực lượng chính trong việc đóng góp GDP hàng năm của tỉnh. Theo báo cáo, năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song vẫn đạt 12,2 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh), còn theo giá thực tế là trên 32 nghìn tỷ đồng. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân;
Thứ ba, đây là lực lượng chính góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã được thành lập tại các vùng miền khác nhau góp phần vào việc giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo yêu cầu của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế;
Thứ tư, các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Doanh nghiệp không chỉ biết lo làm giàu cho mình, mà họ còn là cơ sở để giải quyết việc làm cho người lao động một cách hiệu quả. Các doanh nhân là lực lượng lớn tham gia thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo...;
Thứ năm, trong giai đoạn này, cộng đồng doanh nghiệp dần tạo ra một môi trường văn hóa kinh doanh mang tính kinh tế thị trường, tạo ra những nhà kinh doanh giỏi. Đây là điều rất cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. Việc tạo ra một môi trường văn hóa kinh doanh mang tính thị trường cũng như một đội ngũ kinh doanh giỏi là điều rất quan trọng, cũng là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh đang quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nhân khẳng định được mình;
P.V: Thời gian qua, tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi gì để doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm hoạt động và mở rộng thị trường, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như: về cơ sở hạ tầng, tài chính, về môi trường, tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính… Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả mang tính liên ngành giữa các cơ quan nhà nước với nhau; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ công chức Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện đúng các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ ban hành; đảm bảo an sinh xã hội; hạn chế mức thấp nhất thiệt hại, rủi ro cho doanh nghiệp. Lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã phải tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc rà soát, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý thuế cho các doanh nghiệp, doanh nhân khi đầu tư…
Với những gì tỉnh đã, đang và sẽ triển khai sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, đủ sức đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Việt Bắc.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!