Cập nhật: Thứ tư 30/03/2011 - 10:04
Chùa Phù Liễn, một trong những địa danh đã đi vào ca dao
Chùa Phù Liễn, một trong những địa danh đã đi vào ca dao

Cùng với kho tàng ca dao, phương ngôn chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, người Thái Nguyên còn có những câu ca dao, tục ngữ, phương ngôn riêng rất độc đáo.

 

Về ca dao, ở Thái Nguyên hầu hết mỗi câu ca dao chỉ một địa danh nào đó để mỗi người dân đều dễ nhớ dễ thuộc:

 

Qua Đu, tới Đuổm, lên Chào

Rẽ qua phố Ngữ thì vào chợ Chu

 

Có những địa danh không chỉ quen thuộc với người Thái Nguyên mà còn nổi tiếng với du khách gần xa cũng đi vào ca dao một cách tự nhiên:

 

Khi Mỏ Bạch, khi Xương Rồng

Khi Phù Liễn tự, khi Đồng Mỗ am

Cũng có những địa danh đi vào ca dao với một tình yêu quê hương da diết và sâu lắng:

 

Dạo chơi non nước Vô Linh

Phong cảnh hữu tình để nhớ cho ai

Ngàn Tây là dải núi dài

Có con sông Khốn chảy hoài phía đông

Bàn Cờ, Khảm Tướng, Cao Trung

Mũi Cày, Đụn Rạ trùng trùng nước non

 

Không chỉ thể hiện cảnh đẹp, ca dao Thái Nguyên còn chỉ  sự bệnh tật, cực khổ:

 

Những người lử khử, lừ khừ

Chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai

 

Về phương ngôn, các câu phương ngôn đa phần nói đến các làng quê trên đất Thái Nguyên:

 

Chết ông, chết cha không bằng Xuân La uống rượu

Chuôm Bồ Đề, giếng Bố Đa, chùa Phượng Linh, đình Đức Trọng

Cá Khe Mo, bò Văn Hão, lão Trung Thần, dân Hóa Thượng

Trống đình làng Thái, cổ đãi làng Chiềng

 

Phương ngôn cũng đúc kết một cách hóm hỉnh những đặc tính của con người từng vùng miền:

 

Khéo ăn làng Thói

Khéo nói Úc Kỳ

Rù rì Phương Độ

Sừng sộ Nga Mi

Ru không chịu đi

Là anh làng Vạn

Ăn chơi có hạng

Là đất Phao Thanh

Thích được làm anh

Thanh niên làng Cả…

 

Ca dao, phương ngôn Thái Nguyên thể hiện đặc điểm địa danh đặc tính con người một cách cụ thể và sinh động. Bởi thế người dân xa quê khi nhắc đến câu này đều thấy quê hương hiển hiện, đó là giá trị bền vững của kho tàng ca dao phương ngôn Thái Nguyên.

TNĐT (b/s)