Vẫn biết chè Thái được nhiều người thưởng trà trong và ngoài nước biết đến nhưng khi gặp được những con người ở cách xa Thái Nguyên hàng nghìn cây số yêu thích chè của quê hương mình, sao chúng tôi vẫn thấy mừng vui, tự hào. Gặp gỡ, trao đổi với anh Phan Chí Dũng, chủ một cửa hàng bán Trà Bắc (chè Bắc) ở số 73, đường Phan Bội Châu, T.P Quy Nhơn, tôi đã phần nào lý giải được vì sao chè Thái lại chinh phục được nhiều cư dân của Bình Định đến vậy. Anh Dũng cho biết: Chè Thái Nguyên có hương thơm, vị đượm, rất đậm đà. Trước đây, người Bình Định chỉ quen dùng chè của Lâm Đồng, nhưng sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, những người tập kết ra Bắc trở về quê hương mang theo loại chè Bắc mà họ yêu thích. Với hương vị khác biệt và vô cùng lôi cuốn, chè Thái đã thật sự thu hút được sự quan tâm của người dân miền biển này. Do đó, nhu cầu được thưởng thức chè Thái Nguyên ở Bình Định ngày càng tăng lên. Vừa nói dứt lời, anh Dũng mang cuốn sổ tay có ghi số điện thoại của những người cung cấp hàng cho mình ở Thái Nguyên đưa cho chúng tôi xem. Theo số điện thoại anh cung cấp, tôi thấy anh thường lấy chè ở T.P Thái Nguyên và huyện Đại Từ.
Gia đình anh Dũng đã có truyền thống kinh doanh chè Bắc hơn 30 năm nay. Trước đây, mẹ anh, bà Nguyễn Thị Phụng - một cựu thanh niên xung phong, quê gốc Hà Nội là chủ cửa hàng. Đến năm 2001, bà giao lại cửa hàng cho vợ chồng anh quản lý. Là người đã từng đi làm ăn lâu năm tại một số nước châu Âu nên anh Dũng không chỉ kinh doanh chè đơn thuần mà anh còn tạo ra một nét văn hóa trà rất độc đáo. Tại cửa hàng của anh, số lượng chè Thái chiếm tới 80% lượng hàng bán ra. Hôm chúng tôi đến, vợ anh, chị Đinh Thảo Nguyên, người quê gốc Thái Nguyên đang đóng chè vào những chiếc hộp rất đẹp, có dán nơ óng ánh. Chị nói: Tôi đang đóng hàng cho khách. Ở đây, nhiều người thường mua chè Thái để biếu bạn bè ở xa thay vì rượu Bầu Đá - đặc sản của Bình Định. Vào ngày Tết, ngày lễ, vợ chồng tôi thường nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách hàng ở các nước Pháp, Đức, Đan Mạch, Ca-na-đa… Đây là những việt kiều xa quê muốn được thưởng thức chè Thái vào những ngày vui trong năm.
Chị Đinh Thảo Nguyên bán chè Thái Nguyên cho khách
Hiện nay, cửa hàng của vợ chồng anh Dũng bán trên 10 loại chè xanh của Thái Nguyên như chè móc câu, chè ướp hương nhài, hoa sen, hoa ngâu… Giá bán chè trung bình từ 60 đến 250 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi tháng anh lấy hàng 2 lần. Khi chúng tôi hỏi về số lượng mỗi lần lấy và số hàng bán ra mỗi tháng, anh cười: Đây là bí quyết của người bán hàng nên tôi không thể cung cấp được. Nhưng tôi rất muốn nói một điều là các sản phẩm được chế biến từ chè đã, đang trở thành văn hóa ấm thực của người Việt và chè Thái đứng ở vị quán quân. Có lẽ do có chất đất tốt, có truyền thống lâu đời, có kinh nghiệm chế biến chè ngon nên Thái Nguyên mới trở thành “Đệ nhất danh trà”. Vì thế, tôi rất mong người làm chè Thái Nguyên tiếp tục nâng cao trình độ, nhận thức để chè làm ra bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng…
Chia tay anh Dũng, chúng tôi tìm đến một cơ sở bán buôn chè vào bậc nhất Bình Định. Đó là Đại lý Trà Thiên Phát, có địa chỉ tại số 91b, đường Đống Đa, T.P Quy Nhơn. Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Ngọc Anh, năm nay đã gần 70 tuổi. Ông cho hay: Tôi đã gắn bó với nghề kinh doanh chè 20 năm nay, trong đó có 15 năm chỉ kinh doanh trà Thái Nguyên. Tại thời điểm chúng tôi đến, nhà ông đang chất đầy những bao chè to, nhỏ, dễ có đến 2, 3 tấn chè khô, toàn là chè Thái Nguyên. Biết chúng tôi là người Thái Nguyên, ông rất niềm nở, rồi ông nói về các địa danh có nhiều chè của Thái Nguyên như Đại Từ, T.P Thái Nguyên, Đồng Hỷ một cách say sưa. Như ông chia sẻ thì ông lấy chè búp khô của Thái Nguyên về sau đó tự lên hương hoặc ướp hương cho chè rồi giao lại cho các cửa hàng nhỏ, lẻ trong T.P Quy Nhơn. Chúng tôi thấy vô cùng cảm động khi ông mang từ trong buồng ra một gói chè Trại Cài. Ông khoe: Chè này là ngon lắm, được rất nhiều người thích, cả chè Tân Cương, La Bằng nữa. Từ Bình Định trở ra, Chè Thái đang chiếm tới 70% thị phần trên thị trường. Trước khi tiễn chúng tôi ra cửa, ông trăn trở: Tôi làm ăn uy tín nên mọi người ở đây đều biết và tin tưởng chứ rất nhiều người kinh doanh lấy chè ở các tỉnh khác, chất lượng kém về giả danh chè Thái nên ảnh hưởng đến thương hiệu chè Thái Nguyên.
Những ngày ở T.P Quy Nhơn, chúng tôi đã dành nhiều thời gian đến một số cửa hàng có bán chè Thái, để được nghe tâm sự của những người thưởng thức và kinh doanh chè Thái Nguyên. Ai cũng tán dương và khẳng định chè Thái Nguyên ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Duy chỉ có điều cần phải suy nghĩ là làm thế nào để bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên. Cũng như anh Dũng, ông Ngọc Anh, chị Phạm Thị Tuyền, một chủ cửa hàng kinh doanh các loại đồ uống ở số 4, đường Lý Thường Kiệt, T.P Quy Nhơn nói: Tôi đã kinh doanh chè Thái 20 năm nay. Vì thế, tôi rất mong trong thời gian tới, thương hiệu chè Thái được bảo hộ ở thị trường trong và ngoài nước.