Tác phẩm có tổng thể là chén trà ngon tỏa hương thơm. Các đường cong của chén trà mềm mại, lượn sóng thể hiện đồi chè; miệng chén gồm những hình bán nguyệt kết nối mở thể hiện vòng tay bạn bè thế giới...
Không là người am tường hội họa, nhưng ngắm logo được chọn, tôi thầm thán phục “mắt xanh” của Ban Giám khảo. Các đường cong của chén trà mềm mại, lượn sóng thể hiện đồi chè - đặc trưng của vùng đất nửa đồng nửa núi Thái Nguyên. Miệng chén gồm những hình bán nguyệt kết nối mở thể hiện vòng tay bạn bè thế giới. Và búp chè xanh vươn cao - làn hương thơm vấn vít kết tinh từ thiên nhiên và con người muốn tỏa đến muôn nơi. Những hình ảnh đó đã được tác giả khéo léo bố cục tạo thành một chén trà đầy hương vị và mang bản sắc văn hóa trà Thái.
Màu sắc của logo gồm ba màu cơ bản : Màu đỏ của lễ hội - liên hoan cùng với nhiệt huyết khát khao vươn lên, biểu trưng của Đất; màu xanh dương là khát vọng, biểu trưng của Nước; màu xanh lá thể hiện sự tươi trẻ sinh sôi phát triển, biểu trưng của Cây chè. Ba màu cũng thể hiện 3 thành phần tất yếu để tạo được một chén trà thơm ngon, đó là nước, lửa, lá chè. Biểu trưng đã nêu bật hình ảnh cây chè, chén trà là sự kết tinh của thiên nhiên trời đất Thái Nguyên.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá sôi nổi với tác giả vừa đón nhận niềm vui này tại nơi làm việc của anh: Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Thái Nguyên.Trần Hải Hưng năm nay tròn 30 tuổi, hiện đang sống tại phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên. Có năng khiếu hội họa, học hết THPT, anh thi đỗ vào Đại học Kiến trúc và Đại học Xây dựng, anh đã lựa chọn học Kiến trúc. Ra trường, anh làm việc tại Công ty Vinaconex R&D (Hà Nội), nhưng rồi, đất lành quê hương đã hút KTS trẻ này về Công ty TNHH Tư vấn - Kiến trúc Thái Nguyên từ năm 2005. Anh cùng các cộng sự đã đảm nhiệm nhiều công trình lớn của tỉnh như Tòa nhà Victory, Nhà làm việc và nghiên cứu của Trường Đại học Y - Dược; Trụ sở Công ty hóa chất mỏ Việt Bắc; Giảng đường A11 Đại học Công nghiệp… Đặc biệt anh được Công ty tin tưởng cử làm phương án thi đấu về ý tưởng thiết kế công trình Trung tâm thương mại TNG Việt Thái. Vượt qua 7 Công ty kiến trúc khác ở Hà Nội, ý tưởng của anh đã được chọn thi công.
KTS Trần Hải Hưng cũng là người thiết kế nhiều công trình nhà dân được yêu thích, anh đã đoạt giải B, giải thưởng 5 năm của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tác phẩm kiến trúc nhà ở gia đình kiểu biệt thự. Anh tâm sự: thành phố mình vẫn còn nhà chia lô và nhiều chủ đầu tư vẫn muốn tận dụng diện tích để làm chỗ ở, họ không hiểu rằng một vùng không khí nhỏ trong nhà lại có tác dụng rất lớn đến môi trường sống. Bởi thế, tôi và các đồng nghiệp cố gắng vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư, vừa đề cao tính Xanh (tiết kiệm năng lượng, ánh sáng, không khí, hòa nhập thiên nhiên) và tính Sạch (đơn giản, hiện đại) để tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân ở đô thị.
Trở lại với cuộc thi logo Festival Trà, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, lại là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ KTS trẻ, anh đã phổ biến nội dung cuộc thi đến các KTS khác của tỉnh. Anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm thiết kế logo của mình: - Phải hiểu và chắt lọc được nội dung chính của cuộc thi, chuyển tải ý tưởng bằng nét vẽ vừa đơn giản, vừa chau chuốt về hình thức và bố cục. Logo Trà của anh đã nói lên điều này, cái thực là chén trà tỏa hương thơm đất trời đã được thể hiện bằng nghệ thuật bay bổng, nét vẽ tài hoa và chứa đựng ý nghĩa sâu sắc… đã làm nên thành công lớn của anh.
Chia vui với KTS Hải Hưng còn có lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn - Kiến trúc. KTS Nguyễn Cường, Giám đốc Công ty bắt tay tôi rất chặt, ông nói: - Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các thành viên của đơn vị phát huy năng lực tốt nhất trong công việc cũng như các công tác xã hội khác. Giải thưởng của Hải Hưng một lần nữa khẳng định tài năng của những KTS trẻ của chúng tôi.