Đặc biệt là các chủ tầu này đều không có giấy phép hành nghề đường thủy hoặc bất cứ loại giấy tờ nào khác liên quan đến hoạt động đường thủy cũng như hoạt động khai thác cát, sỏi trên lòng sông Cầu theo các quy định của pháp luật. Việc khai thác cát sỏi bừa bãi đã gây mất an toàn lao động về đường thủy, làm ô nhiễm môi trường nước, sạt lở đất đai của nhân dân quanh vùng, đồng thời tạo ra nhiều hố sâu trên sông gây nguy hiểm cho các hoạt động trên sông nước.
Từ thực trạng trên, UBND huyện Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp để công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn được thực hiện tốt hơn. Trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các ngành đoàn thể của xã, xóm trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân không tham gia khai thác cát sỏi trái phép; phân công thành viên Ban chỉ đạo Quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường huyện phụ trách và thường xuyên nắm bắt tình hình về hoạt động khai thác cát sỏi ở 9 xã; tổ chức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát sỏi ở các vùng giáp ranh giữa huyện Phú Bình với huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và giữa các xã trên địa bàn huyện…
Nhân dịp này, chủ tịch UBND 9 xã đã ký cam kết trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản với chủ tịch UBND huyện. Việc ký cam kết này cũng sẽ được triển khai đến các trưởng xóm nằm giáp ranh với sông Cầu với chủ tịch UBND xã chủ quản.