Cập nhật: Thứ sáu 09/08/2013 - 08:48
Cuối năm 2012, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chè truyền thống. Toàn xóm hiện có gần 20ha chè.
Cuối năm 2012, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chè truyền thống. Toàn xóm hiện có gần 20ha chè.

Cách đây hơn 50 năm, cây chè đã gắn bó với người dân ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ). Những năm gần đây, cây chè được coi là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập cho trên 90% hộ dân của địa phương. Do vậy, vệc phát triển cây chè được chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình quan tâm đầu tư.

Chúng tôi đến xã Hòa Bình, không khí ở đây dường như dịu hẳn bởi màu xanh mướt của những đồi chè đang kỳ trổ búp. Tìm hiểu về nguồn gốc và việc phát triển cây chè ở đây, chúng tôi được biết: Trước năm 1960, người dân trong xã đã trồng chè để dùng trong gia đình và cung ứng nguyên liệu cho Nông trường Chè Sông Cầu. Với thổ nhưỡng phù hợp, người dân lại có kinh nghiệm trồng nên chè ở đây rất đậm và nịnh hương. Vào những phiên chợ, bà con thường đem chè đến chợ Trại Cài (chợ trung tâm của xã Minh Lập) để bán, khách uống thử thấy ngon nên lần sau lại tìm đến. Từ đó, người dân trong xã càng đầu tư hơn cho việc trồng chè. Thời điểm cây chè phát triển mạnh nhất là vào năm 1990. Nhà nào ít cũng có một vài sào, nhà nhiều thì có tới hec-ta. Hiện nay, xã Hòa Bình có trên 700 hộ, sinh sống tại 7 xóm thì trên 90% số hộ tham gia trồng và chế biến chè. Những xóm có diện tích chè nhiều là: Phố Hích, Tân Yên, Tân Thành…

 

Để cây chè phát triển bền vững, xã Hòa Bình đã thực hiện nhiều biện pháp như: chủ động tiếp cận các chương trình, dự án trồng chè của tỉnh, huyện để triển khai tại cơ sở; tích cực vận động nhân dân trồng chè phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; phối hợp với Trạm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện để cung ứng cây giống, phân bón và tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, chế biến chè… Hiện, Hòa Bình có 219ha chè kinh doanh. Trung bình mỗi năm, xã tổ chức được 10 lớp tập huấn liên quan đến việc trồng, chăm sóc và chế biến chè cho hơn 500 lượt người; trồng mới và trồng thay thế chè già cỗi được khoảng 12ha bằng những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương như: LDP1, LDP2, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên…

 

Bên cạnh những biện pháp trên, xã Hòa Bình còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các làng nghề chè truyền thống nhằm từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm chè của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 xóm đã được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống gồm: Đồng Vung, Tân Yên, Tân Đô. Nói về hiệu quả của việc xây dựng các làng nghề chè, ông Lường Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là việc làm thiết thực nhằm nâng cao chất lượng chè của địa phương, qua đó người dân có ý thức hơn trong việc trồng và chế biến chè. Nếu như trước đây, xã Hòa Bình chưa có sản phẩm chè sạch thì nay, các hộ trong xã đã có ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để chăm sóc chè. Chất lượng chè vì thế được nâng lên kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã bán được từ 250-300 nghìn đồng/kg chè.

 

Để tìm hiểu thêm về việc sản xuất chè của các hộ dân ở xã Hòa Bình, chúng tôi đến thăm làng chuyên canh chè ở xóm Tân Yên. Đây là một trong những xóm có diện tích chè nhiều nhất xã với gần 30ha. Toàn xóm hiện có 114 hộ thì 100% số hộ đều tham gia trồng và chế biến chè. Trước năm 1990, xóm chỉ có khoảng 10ha chè trung du, được trồng trên núi cao nên năng suất và chất lượng rất thấp. Trung bình mỗi sào chè chỉ cho thu hoạch từ 12-14kg chè búp khô. Năm 2003, khi một số hộ đưa cây chè xuống trồng ở soi, bãi thì thấy năng suất cao hơn hẳn do chủ động được nguồn nước tưới từ dòng sông Cầu chảy dọc theo xóm. Nhờ nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp nên diện tích chè trồng dưới soi, bãi ở xóm Tân Yên ngày một tăng lên. Hiện toàn xóm có hơn 10ha chè soi, bãi với các giống chè lai như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777… Chị Hoàng Thị Như, một hộ dân trong xóm cho biết: Nhà tôi có 5 sào chè, trong đó có hơn 3 sào chè trồng ở soi bãi. Do chủ động được nguồn nước tưới và được áp dụng các quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nên chè trồng ở đây năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Trung bình mỗi năm, tôi được thu 6 lứa chè, mỗi sào chè ở soi, bãi được thu khoảng 20kg chè búp khô. Với giá bán dao động từ 100-150 nghìn đồng/kg, còn chè ngon có thể bán được với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg, mỗi năm, gia đình tôi được thu lãi gần 60 triệu đồng từ chè.

 

Ngoài xóm Tân Yên, hầu hết các hộ dân trong xã đều có ý thức nâng cao chất lượng chè bằng nhiều cách khác nhau như: sản xuất chè theo quy trình VietGAP, đưa lò quay xao bằng inox vào chế biến chè, cơ giới hóa trong việc chăm sóc chè…

 

Có thể thấy, cây chè đã và đang góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của bà con nông dân xã Hòa Bình. Hiện trung bình mỗi năm, xã giảm được 30 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 21 triệu đồng/năm (tăng 6 triệu đồng so với năm 2010).

 

Để cây chè mang lại hiệu quả hơn nữa và tiếp tục xây dựng, phát triển các làng nghề, xã Hòa Bình đã đề ra những kế hoạch cụ thể như: tăng cường công tác đào tạo nghề về cách trồng và chế biến chè cho bà con nông dân; tập trung thực hiện các vùng chè chuyên canh có năng suất, chất lượng cao theo quy hoạch và Đề án xây dựng Nông thôn mới của địa phương; chủ động tiếp nhận các chương trình, dự án của nhà nước trong trồng, sản xuất, chế biến chè; xây dựng các tổ, nhóm tham gia sản xuất chè an toàn để nhân rộng ra các xóm…

Quỳnh Trang