Cập nhật: Thứ bẩy 26/10/2013 - 09:08
Người dân xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đang hái chè để luyện tập cách chế biến chè bằng chảo gang.
Người dân xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đang hái chè để luyện tập cách chế biến chè bằng chảo gang.

Những ngày này, khi không khí chuẩn bị tham gia các hoạt động của Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ hai ở các làng nghề chè truyền thống trong tỉnh đang diễn ra nhộn nhịp, chúng tôi có dịp về thị trấn Sông Cầu, một trong những vựa chè đặc sản của huyện Đồng Hỷ. Trên những đồi chè hình bát úp, bóng nắng trải dài lấp lóa, thấp thoáng đâu đó bóng người đang nhanh tay hái.

Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Năm nay, thị trấn Sông Cầu có 2 làng nghề chè truyền thống đủ điều kiện tham gia Festival Trà, tăng 1 làng nghề so với năm 2011. Hiện nay, các làng nghề đang tích cực chuẩn bị để tham gia các phần thi do Ban Tổ chức đưa ra (Bàn tay vàng, Búp chè vàng, Văn hóa ẩm thực và mời trà).

 

Chúng tôi có mặt ở xóm 5, làng nghề đã đoạt giải vàng trong Hội thi “Bàn tay vàng” của Festival Trà lần thứ nhất năm 2011. Phải mắt thấy, tai nghe mới thây hết không khí rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội lớn của các hộ dân nơi đây. Năm 2011, xóm 5 vinh dự là làng nghề chè duy nhất của thị trấn Sông Cầu được huyện lựa chọn tham gia Festival nên cũng đã tích lũy cho mình không ít kinh nghiệm để tiếp tục tham gia các phần thi do Ban tổ chức Festival lần thứ hai. Anh Hoàng Xuân Thủy, Trưởng xóm chia sẻ: Lần đầu tham gia, một số hộ dân còn chưa nhiệt tình. Nhưng lần này thì khác, tất cả các hộ dân đều hào hứng hưởng ứng vì họ biết, thành tích có được từ Festival sẽ làm rạng danh cho tất cả những hộ làm chè ở đây. Xóm có trên 125 thì 100% số hộ đều tự nguyện đóng góp kinh phí cho chúng tôi luyện tập và chuẩn bị các nội dung cần thiết để tham gia Festival. Chúng tôi đã lựa chọn 22 người sản xuất chè giỏi của xóm để tham gia các phần thi.

 

Trò chuyện với chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi, anh Trần Văn Viết, một người dân của xóm 5 nói: Năm 2011, tham dự Festival, người dân chúng tôi đã hiểu sâu sắc hơn về văn hóa trà, học hỏi được nhiều kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè của các làng nghề khác. Điều đáng mừng hơn cả là qua Festival Trà lần thứ nhất, đã có thêm nhiều người tiêu dùng biết đến chè của chúng tôi nên sản phẩm chè búp khô không phải mang ra chợ bán nữa mà có tư thương tìm về tận nơi đặt mua. Năm 2011, chè đặc sản của xóm chỉ bán được với giá 200-300 nghìn đồng/kg nhưng nay đã bán được với giá 500 nghìn đồng/kg.

 

Với người dân ở làng nghề chè đã từng tham gia Festival, hiểu được ý nghĩa, giá trị của sự kiện văn hóa lớn này, bà con hào hứng là vậy, còn ở xóm 9, địa phương lần đầu tham gia Festival thì sẽ như thế nào? Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, chị Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Người dân trong xóm rất háo hức được tham gia một sự kiện lớn như thế này. Do là lần đầu được tham gia nên bà con xóm 9 đang rất chăm chỉ luyện tập.

 

Theo giải thích của chị Huyền, chăm sóc, thu hái, chế biến chè là việc làm thường xuyên của người làm chè Sông Cầu. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất chế biến, từ nhiều năm nay, người dân chủ yếu sử dụng máy móc như tôn quay, máy sao, vò để chế biến chè, trong khi theo yêu cầu của Ban Tổ chức Festival, ở phần thi “Bàn tay vàng”, các đội phải chế biến sản phẩm bằng phương pháp thủ công, truyền thống. Nghĩa là phải sao chè bằng chảo gang, vò chè bằng tay… Ông Vũ Đình Cam, Trưởng xóm 9 tâm sự: Mặc dù chưa có kinh nghiệm tham gia thi ở những sân chơi lớn như Festival Trà, nhưng chúng tôi có tâm huyết với cây chè, có niềm tin. Sắp đến ngày thi nên mấy anh, chị trong xóm rất tích cực luyện tập sao chè bằng chảo gang, hết mẻ chè này đến mẻ chè khác để mong khi tham gia phần thi “Búp chè vàng” sẽ tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

 

Những phần thi đang được các làng nghề chè truyền chuẩn bị rất chu đáo và trên các nương chè, địa điểm để du khách đến tham quan đã được chăm chút, dọn dẹp sạch sẽ. Anh Lâm Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho hay: Chè mang lại nguồn thu nhập chính và đang là cây làm giàu của người dân nơi đây. Bởi thế, người dân ở thị trấn Sông Cầu luôn chăm chút cây chè như chăm sóc chính bản thân mình. Không phải chỉ khi có Festival, người làm chè mới chỉnh trang, chăm sóc nương chè. Bà con ở đây rất có ý thức trong việc chăm sóc diện tích chè của gia đình nên từ đầu năm đến cuối năm, lúc nào các nương chè cũng sạch cỏ, ngay hàng, thẳng lối và xanh tốt như thế này.

 

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, Festival Trà sẽ diễn ra và với lòng nhiệt huyết, niềm say mê, tình yêu với cây chè, sản phẩm chè, chắc chắn người làm chè Sông Cầu sẽ tạo được những ấn tượng khó phai mờ với những du khách đến tham dự sự kiện trọng đại này.

 

Tùng Lâm