Cập nhật: Thứ bẩy 26/10/2013 - 09:53
 Cơ sở sản xuất, kinh doanh chè của gia đình chị Nguyễn Thị Mây, xóm 4, xã Phú Xuyên (Đại Từ) xuất bán trung bình 2 tấn chè khô/tháng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh chè của gia đình chị Nguyễn Thị Mây, xóm 4, xã Phú Xuyên (Đại Từ) xuất bán trung bình 2 tấn chè khô/tháng.

Xã Phú Xuyên hiện có trên 200ha chè, trong đó có trên 40% diện tích là chè cành với các giống chủ yếu như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, LDP1, TRI 777... Những năm gần đây, ngoài việc khuyến khích người dân trồng mới, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện giúp họ chuyển đổi những diện tích chè trung du đã cằn cỗi sang trồng các giống chè cành đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về cuộc sống của người dân trong xóm, ông Nghiêm Văn Toàn, Trưởng xóm 3 cho biết: Địa hình của xóm là vùng đồi thấp, lại có nguồn nước tự chảy từ dãy núi Tam Đảo về nên người dân có nhiều thuận lợi trong phát triển cây chè. Xóm 3 hiện có 79 hộ dân thì 100% số hộ trồng chè với tổng diện tích trên 20ha. Vài ba năm trở lại đây, người dân trong xóm mạnh dạn đưa một số giống chè cao sản vào trồng như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... chiếm 70% tổng diện tích chè của toàn xóm. Nhờ trồng chè nên đời sống người dân tương đối khá, xóm hiện chỉ còn 9 hộ nghèo... Ông Nghiêm Văn Này, một trong những hộ dân có diện tích chè cành nhiều nhất xóm 3 cho hay: Gia đình tôi có 7-8 sào chè LDP1 trong tổng số hơn 1 ha chè của gia đình. Giống chè LDP1 sinh trưởng khoẻ, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt chịu được khô hạn, sớm cho năng suất cao (gấp 2 lần so với chè trung du), chất lượng khá. Với diện tích chè này, mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm...

 

Cùng với xóm 3, một số xóm khác như Chính Phú 1, Chính Phú 2, Chính Phú 3, Tân Lập, 1, 2,10, 11, 8, 9… nông dân cũng tích cực chuyển đổi, cải tạo những chân ruộng một vụ, những diện tích đồi rừng không đem lại hiệu quả kinh tế chuyển sang trồng chè. Năm 2007, người dân Phú Xuyên bắt đầu đưa giống chè cành vào trồng với diện tích chỉ khoảng 2 ha. Sau 3 năm, thấy hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với chè trung du, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ chè hạt chuyển sang trồng chè cành. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh, cải tạo, đưa những giống chè cao sản vào trồng, đến nay toàn xã có trên 200ha chè, trong đó hơn 40% là chè cành. Năng suất chè của Phú Xuyên từ chỗ chỉ đạt 50 tạ/ha (năm 2000) đến nay đạt bình quân 93 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.800 tấn búp tươi/năm. Ngoài việc tích cực mở rộng diện tích chè, chuyển đổi các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xã còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè. Ông Phạm Văn Nguyên, xóm Chính Phú 1 cho biết: Từ năm 2011, xóm thành lập Câu lạc bộ chè sạch gồm 38 hộ dân tham gia với tổng diện tích gần 40ha. Tham gia Câu lạc bộ, hội viên được đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại các vùng chè nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng để về áp dụng tại địa phương như quy trình sản xuất chè sử dụng chế phẩm IPM, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap.

 

Để tạo điều kiện cho người dân, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho nông dân vay vốn đầu tư sản xuất chè. Từ  "kênh vay vốn" này, đến nay, tổng dư nợ của các hộ dân tại 2 ngân hàng trên lên tới trên 30 tỷ đồng. Không chỉ tạo điều kiện cho nông dân vay vốn, mỗi năm, xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức khoảng 60 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Sau khi được tập huấn, người nông dân đã từng bước thay đổi tập quán thâm canh, tuân thủ kỹ thuật chăm bón, thu hái và chế biến chè đảm bảo theo quy trình, tạo ra những sản phẩm chè ngon nổi tiếng. Có thể nói, cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo đối với bà con ở đây. Nhờ cây chè, đời sống của bà con trong xã được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 18,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 29,74%. Tiềm năng là vậy nhưng hiện nay việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của các hộ nông dân xã Phú Xuyên còn nhỏ lẻ, chủ yếu là do các hộ dân chế biến theo phương pháp thủ công và tự tiêu thụ, sản phẩm thì hạn chế về mẫu mã nên sản phẩm chè ở đây vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường...

 

Đồng chí Vũ Xuân Hưởng, Chủ tịch UBND x Phú Xuyên cho biết: Xác định để tiếp tục đưa cây chè Phú Xuyên phát triển, địa phương đang làm các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè Phú Xuyên. Chúng tôi cũng đang quy hoạch vùng chè chất lượng cao phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nên mong muốn, các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện hợp tác giúp đỡ người làm chè để sản phẩm chè của địa phương ngày một vươn xa.

Minh Phương