Cập nhật: Thứ sáu 08/11/2013 - 07:27
Bác Trần Văn Đông, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) chăm sóc vườn chè của gia đình để phục vụ du khách tham quan.
Bác Trần Văn Đông, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) chăm sóc vườn chè của gia đình để phục vụ du khách tham quan.

Những ngày này, về Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp của vùng chè nơi đây. Anh Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân cho hay: Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất (năm 2011), người làm chè chưa ý thức được vai trò của chính mình, nhưng lần này thì khác, họ hiểu mình phải làm gì và làm như thế nào. Bởi vậy, bà con chủ động lên kế hoạch tham gia Festival Trà từ rất sớm; lựa chọn số người tham gia, phân công nhau mỗi người một việc và luôn trách nhiệm với phần việc được giao.

Đúng như nhận định của anh Đông, năm nay, dù không có kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tham gia Festival Trà nhưng bà con vẫn rất hào hứng. Xã tham gia 5 trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Festival Trà (tương ứng với 5 làng nghề chè), tăng 2 gian hàng so với năm 2011. Ngay từ đầu tháng 11, các làng nghề đã chuẩn bị đủ số hàng hóa với các loại mẫu mã, chủng loại phong phú để tham gia trưng bày tại các gian hàng.

 

Chị Đỗ Thị Thanh, một người dân của xóm Cây Thị, xã viên Hợp tác xã chè Tân Hương (Phúc Xuân) chia sẻ: Trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng tưới nước, chăm sóc cho chè lên xanh tốt để khi chế biến, chè sẽ cho hương vị thơm ngon nhất. Mỗi loại chè có một hương vị đặc trưng. Chè cành LDP1 có hương vị thanh tao, chè Trung du mang hương vị đậm đà, chè Bát Tiên với hương vị dịu nhẹ… Những sản phẩm chè đặc sản này được đóng gói bằng máy hút chân không, bao bì đóng gói có màu vàng óng ả, màu xanh dịu mát mắt chắc hẳn sẽ thu hút được sự chú ý của du khách…

 

Trong số 5 làng nghề thì làng nghề chè truyền thống Cây Thị - nơi có Hợp tác xã Chè Tân Hương, đơn vị duy nhất trong tỉnh được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn quốc tế (UTZ) sẽ tham gia các phần thi: Bàn tay vàng, Búp chè vàng, Văn hóa ẩm thực trà và mời trà. Anh Đông cho biết thêm: Lần này, Cây Thị lại tiếp tục được các làng nghề chè truyền thống trong xã tiến cử tham gia các phần thi trên bởi ở Festival Trà lần thứ nhất, xóm đã “rinh” về nhiều giải thưởng cao trong phần thi Bàn tay vàng, Búp chè vàng… Suốt một tháng qua, các hộ dân được lựa chọn đi thi đã tập luyện sao chè bằng chảo gang rất tích cực với mong muốn sẽ tiếp tục “ẵm” được thêm nhiều giải thưởng mới.

 

Cùng với việc sản xuất ra sản phẩm chè ngon, người dân trong xã rất ý thức dọn dẹp sạch sẽ những vườn chè của gia đình, đặc biệt là những hộ dân nằm trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đi vào khu du lịch hồ Núi Cốc và Trung tâm Tổ chức sự kiện hồ Núi Cốc. Vừa nhanh tay di chuyển ống nhựa để tưới nước cho chè, bác Trần Văn Đông, một người dân ở xóm Cây Thị vừa trò chuyện với chúng tôi: Tôi muốn những du khách đến đây sẽ được ngắm những vườn chè xanh tốt, để họ hiểu người làm chè Phúc Xuân tâm huyết với cây chè như thế nào khi tưới chè bằng nguồn nước lấy từ lòng đất; hái chè đúng kỹ thuật một tôm, hai lá; chế biến chè bằng tôn quay…

 

Chè là cây kinh tế chủ lực của xã bởi Phúc Xuân có 1.400 hộ dân thì có khoảng 1.100 hộ sản xuất, kinh doanh chè. Nằm trong chỉ giới địa lý chè Tân Cương, nhiều năm nay, chè Phúc Xuân đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến bởi hương thơm, vị đượm. Xã hiện có gần 300ha chè, trong đó có khoảng 270ha chè kinh doanh. Diện tích chè giống mới (chè cành LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…) của xã chiếm khoảng 40%, năng suất chè bình quân đạt khoảng 110-120 tạ/ha, thu nhập từ 1ha chè của xã bình quân đạt 80 triệu đồng/năm.

 

Với người dân Thái Nguyên nói chung, người dân Phúc Xuân nói riêng, Festival Trà lần này là cơ hội để bà con quảng bá, giới thiệu về cây chè - cây kinh tế chủ lực của địa phương, sản phẩm chè của địa phương mình tới người tiêu dùng. Chị Đỗ Thị Thanh cho rằng: Thông qua các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Festival, chúng tôi sẽ giới thiệu được sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Đặc biệt, được tận mắt nhìn thấy quy trình thu hái, chế biến và thưởng thức sản phẩm chè Phúc Xuân; cảm nhận được mùi hương thơm ngát, vị chát nơi đầu lưỡi, ngọt ngào, thanh tao nơi cuống họng sau khi nhâm nhi chén nước chè sóng sánh, của người làm chè Phúc Xuân, tôi tin, người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm chè của Phúc Xuân nhiều hơn.

 

Festival Trà lần thứ hai đã đến và với sự chuẩn bị chu đáo, tâm huyết, chắc chắn, những làng nghề chè truyền thống của Phúc Xuân sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách gần, xa.

Tùng Lâm