Tương tự như trường hợp của ông Timothy Brown người duy nhất trên thế giới tại thời điểm này được coi là chữa khỏi nhiễm HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ một người có miễn nhiễm tự nhiên với HIV.
Cả hai bệnh nhân này đều đã trải qua việc cấy ghép tế bào gốc (từ bên ngoài) để điều trị bệnh máu trắng sau khi được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) trong vòng 4 năm. Trước khi thực hiện cấy ghép, cả hai người này đều có tải lượng virus ở mức không đo đếm được, nhưng vẫn có HIV dưới dạng “ngủ yên” bên trong các “hầm chứa” là các tế bào CD4. Tuy nhiên, khác với trường hợp của Timothy Brown, ngay trước khi cấy ghép cả 2 bệnh nhân này đều được điều trị bằng hóa trị liệu nhẹ và tiếp tục được điều trị bằng ARV trong suốt quá trình cấy ghép.
BS Kuritzkes cho rằng, việc tiếp tục điều trị bằng ARV cho bệnh nhân sau khi cấy ghép đã giúp bảo vệ được các tế bào mới (được cấy ghép) khỏi bị nhiễm HIV. Một khi các tế bào mới được cấy ghép này loại bỏ và thay thế chính các tế bào miễn dịch (cũ) của cơ thể, thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã loại bỏ được virus.
Nhóm nghiên cứu cho biết: Các tế bào cấy ghép cho 2 bệnh nhân trên lại đều có CCR5 và do vậy đều dễ cảm nhiễm với HIV, nhưng do các bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng ARV trong suốt quá trình cấy ghép nên các tế bào mới được cấy ghép này không bị nhiễm HIV. Một trong hai bệnh nhân được theo dõi trong 2 năm, người còn lại đang được theo dõi.
Theo nhận định của BS Kuritzkes, điều quan trọng trong các phát hiện của nghiên cứu trên là cung cấp bằng chứng về việc chúng ta có thể bảo vệ được các tế bào chưa nhiễm HIV khỏi bị nhiễm virus này khi các tế bào này được cấy ghép vào cơ thể người nhiễm HIV. Đây chính là một dạng của dự phòng trước khi phơi nhiễm ở cấp độ tế bào. Kế hoạch nghiên cứu sâu hơn để có thể ứng dụng trên thực tế vẫn còn được tiếp tục.