Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2013, số ca nhiễm HIV ở nước ta giảm 22% so với cùng kỳ năm 2012; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ 30% (năm 2002) xuống còn 12,7% (năm 2012) và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm giảm 5% (năm 2002) xuống còn 2,7% (năm 2012). Ngoài ra, tỷ lệ người bệnh còn sống và tiếp tục điều trị sau 12 tháng đạt hơn 82% (năm 2012) và có khoảng 21.000 người được cứu sống nhờ chương trình điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Đặc biệt, nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược quốc gia khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% số dân và những cam kết quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Với những kết quả đó, mục tiêu ba không do Liên Hiệp Quốc đề ra không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS đã dần được hiện thực hóa.
Tuy nhiên, khi đã đạt được những thành công trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì nước ta đang phải đối mặt với vấn đề khó khăn là các khoản tài trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2013 sẽ giảm dần. Theo ước tính, tổng kinh phí phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013- 2020 là 26.882 tỷ đồng, song với các nguồn hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 37%. Tổ chức tài trợ cho nước ta nhiều nhất là PEPFAR (chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS) sẽ giảm hỗ trợ thuốc ARV, sinh phẩm chẩn đoán và chuyển dần sang hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, năm 2015, dự án của Quỹ Toàn cầu về cung cấp thuốc điều trị miễn phí cho các bệnh nhân HIV/AIDS sẽ kết thúc và chưa có tín hiệu mở thêm các vòng mới. Trong khi đó, ở nước ta hiện có khoảng 120.000 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị thuốc ARV liên tục, tương ứng với khoảng 550 tỷ đồng. Nếu gián đoạn sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và chuyển sang phác đồ điều trị cao hơn, và thay vì tiêu tốn ở mức 550 tỷ đồng thì chi phí sẽ tăng lên tới 3.300 tỷ đồng.
Ðể thực hiện được các mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Bùi Đức Dương cho rằng, với những chương trình mới được triển khai, trước hết cần tiếp tục duy trì hiệu quả của hoạt động điều trị HIV/AIDS. Bởi điều trị là một trong những biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất góp phần giảm nguồn lây và khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu những người nhiễm HIV mới phát hiện được dùng thuốc sớm, điều trị sớm thì khả năng lây nhiễm HIV sẽ giảm tới 96%, tức là hầu như không lây nhiễm nếu như được điều trị kịp thời. Hai là, bảo đảm giá của nguồn thuốc điều trị. Ba là, huy động nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Để tiếp tục duy trì và hỗ trợ cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, nguồn kinh phí đang được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, đó là ngân sách nhà nước mà Chính phủ phải đầu tư để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và cắt đứt nguồn lây. Bên cạnh đó, huy động sự đóng góp của các tổ chức dân sự xã hội thông qua tham gia hỗ trợ phòng, chống HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV với những biện pháp cụ thể. Tăng tỷ trọng của Quỹ bảo hiểm y tế tham gia chi trả cho các dịch vụ về HIV/AIDS. Đồng thời, cần cải thiện, thay đổi cách thức tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS để việc tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.