Các chương trình tín dụng bao gồm: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo làm nhà theo Quyết định số 167 của Chính phủ, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và tín dụng học sinh, sinh viên. Với tinh thần trách nhiệm cao, những năm qua, các văn phòng giao dịch của Ngân hàng CSXH ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể chuyển vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, kịp thời.
Chị Trương Thị Nguyệt Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh trên địa bàn xã đã lên đến hơn 5 tỷ đồng. 3 năm qua, thông qua các nguồn vốn được vay của Ngân hàng, đã có khoảng 100 nhân khẩu có việc làm ổn định; trên 70 hộ dân xây dựng được công trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; 5 hộ nghèo xây được nhà ở… Đặc biệt, chỉ trong 3 năm (2011 đến 2013), xã đã có tới gần 40 hộ dân thoát nghèo, giảm khoảng 50% so với đầu năm 2011… Điển hình trong số các hộ thoát nghèo của xã là chị Nguyễn Thị Chiến, hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Nhị Hòa. Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị hết sức khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 con ăn học trong khi thu nhập của gia đình chỉ trông vào 7 sào ruộng. Cách đây 2 năm, qua tín chấp của Hội Phụ nữ xã, chị được vay của Ngân hàng CSXH số tiền 25 triệu đồng. Vốn chăm chỉ, chịu khó, chỉ sau hơn 1 năm đầu tư vào chăn nuôi lợn, kinh doanh phế liệu, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện nay, để có thu nhập cao hơn, chị đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, và kinh doanh...
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy không chỉ ở Đồng Bẩm mà ở 142 xã nông thôn trong tỉnh, các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH cũng đang phát huy hiệu quả rất tốt, góp phần giúp địa phương hoàn thành được các tiêu chí NTM như nâng cao thu nhập cho người dân; giải quyết việc làm; giảm hộ nghèo... Ông Nguyễn Hữu Dinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH, Chi nhánh tỉnh cho hay: Tính đến nay, tổng dư nợ của 10 chương trình tín dụng tại các xã nông thôn trong tỉnh là 1.453 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho 35 xã thực hiện điểm về XDNTM là gần 640 tỷ đồng. Riêng 10 tháng năm 2014, thông qua các chương trình tín dụng đã có trên 8.400 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; hơn 14.000 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn được xây dựng. Ngoài ra, thông qua Ngân hàng CSXH, gần 3.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Cũng từ nguồn vốn này, người dân có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, mua cây, con giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất; mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy tuốt lúa...
Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả như vừa nêu nhưng hiện nay, việc triển khai các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH, chi nhánh tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguồn vốn để triển khai hằng năm chủ yếu phụ thuộc nguồn của Trung ương chuyển về nên đôi khi còn bị động trong quá trình giải ngân; sự phối hợp lồng ghép giữa các chương trình tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết hợp với xây dựng các dự án kinh tế vùng, tiểu vùng chưa đồng bộ… Do đó, để tiếp tục góp phần thực hiện các tiêu chí NTM như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động… thời gian tới, Ngân hàng sẽ chú trọng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng, tiếp tục thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí mới để chuyển nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có cơ cấu lao động nông thôn hợp lý để XDNTM có hiệu quả tại các địa phương. Cùng với đó là phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép các chương trình tín dụng CSXH với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, tập trung cho vay các mô hình dự án theo vùng, tiểu vùng ở các xã nông thôn; thường xuyên tăng cường, kiểm tra, giám sát nguồn vốn cho vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tiền ẩn rủi ro tín dụng xảy ra…