Cập nhật: Thứ ba 02/12/2014 - 16:47
Từ 3.600m2 đất trồng chè, mỗi năm gia đình chị Trương Thị Huệ, xóm Văn Cường 1 (Phú Cường - Đại Từ) thu hoạch được 1,6 tấn chè búp khô, tương đương với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Từ 3.600m2 đất trồng chè, mỗi năm gia đình chị Trương Thị Huệ, xóm Văn Cường 1 (Phú Cường - Đại Từ) thu hoạch được 1,6 tấn chè búp khô, tương đương với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Từ một ngọn đồi cao, nhìn bao quát vùng đất xã Phú Cường (Đại Từ), tôi có cảm nhận nhận ở ngay trước mắt mình là một bức tranh sinh động “Sơn thủy hữu tình”. Vừa chớm đông, hơi sương se lạnh, nhưng khắp các triền đồi còn phủ một màu xanh lục của chè cùng thấp thoáng bóng người thu hái. Phía xa xa, từng chòm xóm với những nhà xây mái bằng, mái ngói và cả những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tạo nên khung cảnh thanh bình, đậm chất thơ cho vùng đất còn bởi hợp lưu của dòng sông Công, sông Trong, những dòng chảy của tự nhiên phân chia vùng đất Phú Cường thành 3 khu. Và lác đác bên sông, từng đám ruộng sau mùa gặt còn phơi lại gốc rạ.

Phú Cường đổi thay nhiều quá! Tôi bồi hồi nhớ lại, năm 2010 lên Phú Cường công tác, phải dịp mùa mưa, chúng tôi đã đi trên nhiều đoạn đường lép nhép bùn đất, chứng kiến 2 cây cầu treo bắc ngang sông Công, sông Trong oằn mình bởi dòng nước đỏ ối xô chảy dưới chân. Bởi ở vùng thượng nguồn, nên cả 2 dòng sông cùng chảy, khi thì hiền hòa, êm đềm mang dòng nước trôi xuôi; lúc lại nổi đóa bởi trận mưa nguồn, hóa dòng thủy quái, cuốn phăng đi những nhịp cầu tre do người dân bắc tạm, nhiều người cũng suýt mất mạng vì liều mình sang sông. Đồng chí Hoàng Xuân Chiến, Bí thư Đảng ủy xã nói với tôi như một đúc kết: Ngày trước, Phú Cường nghèo vì giao thông khó khăn; vì tư duy của cán bộ, nhân dân hạn chế; cán bộ, đảng viên chưa phát huy được hết vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.

 

Sinh ra, lớn lên trên đồng đất Phú Cường, rồi nhiều năm làm cán bộ xã, chứng kiến cái nghèo, cái khó của người dân, đồng chí Bí thư Đảng ủy nhiều lúc thấy mình như có lỗi. Tôi hiểu tâm trạng này của đồng chí nên hỏi vui: Làm "công bộc" cho dân, trăn trở lớn nhất của đồng chí là gì? Đồng chí Bí thư Đảng ủy suy tư: Ừ… trăn trở nhiều đấy, nhưng cơ bản là phải gỡ được nút rối, tìm được hướng ra trong phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương… Nghe giản đơn có thế, nhưng vùng đất Phú Cường từng bao năm lấn bấn với khó nghèo, ruộng lúa, bãi ngô, nương chè người nông dân phải đánh đổi nhiều mồ hôi, nhưng sản phẩm làm ra chưa đủ nuôi người. Vậy nhưng có một điều huyền diệu, âm ỉ như ngọn lửa trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, đó là tinh thần đoàn kết, sẵn lòng hợp lực và sẵn lòng hy sinh cái tôi riêng để cùng nhau xây dựng nên một diện mạo mới cho quê hương. Anh Nguyễn Hữu Bằng, Chủ tịch UBND xã tâm sự: Làm nên diện mạo mới trên vùng đất Phú Cường phải kể từ sự đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên và mọi người dân. Cụ thể là cán bộ, đảng viên dám làm, dám chịu trách nhiệm gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào thì mọi người dân mới hăng hái hưởng ứng.

 

Trong suốt nhiều năm đổi mới, các thế hệ cán bộ, đảng viên ở Phú Cường đã không ngừng bơi chèo, từng bước đưa những cư dân nơi một ngã ba dòng sông sang bến bờ no ấm. Nhưng dấu mốc được ghi lại trong lịch sử đổi mới của Phú Cường được bắt đầu từ năm 2008, khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai về đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.

 

Đồng chí Chiến cho biết thêm: Cuộc vận động đã có tác động lớn trong chuyển biến nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, khơi dậy được ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng xã hội, điển hình là tinh thần hy sinh lợi ích riêng trong phong trào xây dựng quê hương. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Kim Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức được thể hiện thông qua hành động của hàng trăm gia đình cán bộ, đảng viên và người dân trong xã đã hiến gần 100.000 m2 đất canh tác, đất ở và tài sản trên đất trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, các tuyến đường tỉnh lộ 264 qua xã được nâng cấp, trải nhựa; tuyến đường qua các xóm Na Mấn, Na Quýt và Văn Cường 2 dài 4,1 km được mở rộng từ 2 mét lên 7 mét; 2 cây cầu treo bắc ngang sông Công, sông Trong cũng được nâng cấp chắc chắn, tao thuận lợi cho nhân dân lại an toàn và thuận lợi hơn trong việc giao thương hàng hóa.

 

Hàng hóa nông sản của vùng đất xã Phú Cường chủ yếu là chè búp khô. Hiện 10 xóm của xã có hơn 1.300 hộ, hơn 5.100 nhân khẩu, gồm Tày, Nùng, Kinh, Cao Lan, Sán Chí… Hơn 90% số hộ trong xã trông vào nguồn thu từ cây chè. Với 264 ha chè, trong đó có 120 ha chè cành giống mới, chủ yếu là Bát Tiên, Kim Tuyên, TRI 777 và Phúc Vân Tiên. Do thực hiện các khâu chăm sóc, thu hái và chế biến đúng quy trình, chè Phú Cường đạt năng suất bình quân 5,4 tạ búp khô/ha/lứa, cá biệt có diện tích đạt năng suất 8,5 tạ/ha/lứa, có giá bán bình quân 150.000 đồng/kg. Trong xã, ông Nguyễn Văn Tiến, xóm Văn Cường 1 là hộ làm chè giỏi, với 3.600m2 đất trồng chè, chủ yếu là chè lai, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 1,6 tấn chè búp khô, thu hơn 300 triệu đồng.

 

Để sản phẩm chè Phú Cường không bị trôi nổi trên thị trường, năm 2014, ông Tiến vận động 32 hộ trong xóm cùng tham gia liên kết làm ăn. Bà con hưởng ứng, Hợp tác xã chè Nam Cường do ông Tiến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ra đời. Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình chè lai, ông Tiến cho biết: Ngày trước, người dân xã Phú Cường đã có cây chè, nhưng để cây chè thật sự mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân thì mới được từ 5 năm gần đây… Câu chuyện ông Tiến dành cho tôi như rút ngắn lại đoạn đường đồi đến nương chè của gia đình chị Trương Thị Huệ, xóm Văn Cường 1. Chị Huệ đang cùng bà con trong Hợp tác xã thu hái chè. Điều khiến tôi ngạc nhiên là đã vào cuối tháng 11, theo chu kỳ sinh trưởng thì cây chè đã phát mù xòe, nhưng nương chè TRI 777 của gia đình chị vẫn bời bời lộc búp. Chị Huệ bảo: Chè của bà con trong xã đều như vậy cả. Với 3.600m2 đất chè, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi hơn 300 triệu đồng.

 

Nhìn những nương chè nối nhau chạy dài tít tắp, anh Bằng cho chúng tôi biết thêm: Cây chè cho nông dân Phú Cường sự no ấm, song vì lợi ích chung, nhiều gia đình trong xã đã hiến cả bãi chè rộng hàng nghìn m2,  mỗi năm mang lại thu nguồn thu cả trăm triệu đồng để Nhà nước mở rộng đường. Điển hình như gia đình ông Trần Thanh Hải, xóm Na Mấn, hiến 2.000m2 để mở mới đoạn đường nối 2 xóm Na Mấn và xóm Chấp. Cũng chuyện hiến đất làm đường, bên xóm Đèo, các đảng viên: Phạm Văn Minh, hiến gần 1.000m2 đất; Lương Thanh Xuyên, hiến gần 900m2 đât; Trương Duy Thành, hiến gần 700m2 đất và hàng nghìn m2 đất do nhân dân xóm cùng hiến để mở rộng tuyến đường qua xóm Đèo. Đầu năm 2014, 45 hộ ở xóm Khuân Thông và xóm Chiềng đã hiến hơn 22.000m2 đất, nhờ đó, tuyến đường qua xóm được mở rộng từ 2,5 mét lên 5 mét, mọi người dân được đi lại thuận lợi, an toàn.

 

Hỏi bí quyết làm như thế nào để người dân trong xã lại hăng hái hiến đất cho Nhà nước mở rộng đường? Đồng chí Chiến đã trả lời với tôi rằng: Vì Đảng bộ có Nghị quyết phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân; vì địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền; vì tinh thần dân chủ được phát huy… Và mấu chốt của mọi vấn đề là trong toàn Đảng bộ đã phát huy được tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Vừa lúc mặt trời truồi xuống búi tre đằng Tây, hương chè cũng bắt đầu tỏa thơm theo khói lam chiều, tôi cũng vội trở về, lòng khấp khởi vui lây bởi được chứng kiến sự chuyển mình của một vùng đất xa trung tâm huyện. Hơn thế, cán bộ, đảng viên và người dân xã Phú Cường đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng phát huy nội lực của mình để làm nên một diện mạo mới cho quê hương.

Phương Chí Cường