Cập nhật: Thứ ba 09/12/2014 - 08:00
Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị.
Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị.

Nằm trong chuỗi sự kiện hoạt động tại Trung ương nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014, ngày 8/12, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo sơ kết tình hình thực hiện đề án đảm bảo tài chính, triển khai điều trị methadone và thuốc kháng vi rút (ARV).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: hội thảo lần này là dịp để cùng nhau trao đổi, chia sẻ và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các địa phương để nâng cao chất lượng quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: HIV/AIDS vẫn là vấn đề nổi cộm về sức khỏe cộng đồng, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam (trên 2.000 người tử vong/năm). Mỗi năm, nước ta có khoảng 12.000-14.000 người có HIV mới được phát hiện. Số tích lũy HIV tiếp tục gia tăng, hiện có hơn 220.000 người nhiễm HIV cần chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời. Song vấn đề đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn chưa bền vững.

 

Hiện 80% kinh phí cho công tác này từ nguồn viện trợ nhưng nguồn này đang bị cắt giảm nhanh, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các chi phí này, vấn đề xã hội hóa và thu phí dịch vụ chưa khả thi.

 

Để thực hiện hiệu quả Đề án bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS theo Quyết định 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu dự hội thảo cho rằng: cần tiếp tục vận động và bảo vệ chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020 hoặc có cơ chế tài chính mới, tăng cao mức đầu tư qua các năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết lập cơ chế mua sắm thuốc ARV tập trung từ nguồn ngân sách Trung ương và Quỹ Bảo hiểm y tế; hoàn thiện các mô hình cung cấp dịch vụ lồng ghép và phân cấp xuống cơ sở; tiếp tục huy động viện trợ quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

 

Đối với các địa phương, cần hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án bảo đảm tài chính; xây dựng và phê duyệt khung giá điều trị Methadone nhằm huy động nguồn lực cho việc duy trì và mở rộng điều trị. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để được bảo hiểm y tế chi trả; truyền thông, vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

 

Về tình hình triển khai điều trị Methadone, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến 30/11/2014, có 38 tỉnh, thành phố triển khai, với 23.160 bệnh nhân được điều trị tại 125 cơ sở y tế, đạt 75,1% chỉ tiêu năm 2014. Tuy nhiên, quan điểm về điều trị Methadone có nơi còn chưa thống nhất; các địa phương xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai còn chậm hoặc có kế hoạch nhưng nguồn lực không đầy đủ, cơ sở vật chất thiếu. Nhân lực ngành y tế hiện đang khó khăn, chỉ khoảng 8 cán bộ/cơ sở điều trị Methadone, áp lực công việc cao, thời gian làm việc dài, không có ngày nghỉ.

 

Về điều trị thuốc kháng vi rút ARV, tính đến hết tháng 8/2014, có 88.624 bệnh nhân được điều trị, chiếm 37% tổng số người nhiễm HIV còn sống, trong đó cao nhất là Quảng Ninh (83%) và thấp nhất là Bình Định (17%).

 

Kết quả điều trị cho thấy, người nhiễm HIV đảm bảo được sức khỏe, giảm tử vong, giảm 96% nguy cơ lây nhiễm, tăng sức lao động. Tuy nhiên độ bao phủ ARV còn thấp, tỉ lệ duy trì điều trị chưa cao; các cơ sở điều trị chủ yếu do dự án thành lập, chưa được coi là một bộ phận chính thức của các cơ sở y tế; 93% thuốc ARV từ nguồn viện trợ.

 

Cũng trong Hội thảo, đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, đơn vị bảo hiểm y tế, các Viện và các địa phương đã chia sẻ những thông tin về chương trình phòng, chống HIV/AIDS; đưa ra các khó khăn, thách thức cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là trong công tác xây dựng đề án đảm bảo tài chính, mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và chương trình điều trị ARV; cơ cấu tổ chức của trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

 

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh một số vấn đề cần ưu tiên trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đó là: mở rộng hơn nữa độ bao phủ của các can thiệp giảm hại toàn diện, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su và điều trị bằng Methadone. Hệ thống y tế cần mở rộng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị ARV; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc ARV, Methadone, hóa chất, sinh phẩm phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tập trung can thiệp cho những nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV ở những địa bàn trọng điểm; lồng ghép và phân cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế nói chung./.


Nguồn: Báo điện tử ĐCSVN