Cơ sở điều trị Methadone của huyện Đại Từ được bố trí tại Trạm Y tế thuộc Khu tái định Nam Sông Công (thị trấn Hùng Sơn). Hàng ngày, có hơn 300 bệnh nhân đến đây uống thuốc. Sau khi điều trị, người bệnh có thể trở về nhà và làm những công việc thường ngày. Bởi không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, loại thuốc này có thể giúp người nghiện sinh hoạt bình thường sau khi sử dụng. Methadone có tác dụng đối với cơ thể lâu hơn heroin, đặc biệt là không tăng liều. Vì vậy, dùng Methadone cũng giúp người nghiện ổn định cơn nghiện, không lo tìm kiếm heroin cho nhu cầu ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe.
Anh Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Hầu hết những người đến uống thuốc ở đây đều hài lòng khi dùng Methadone thay thế các loại ma túy họ từng sử dụng. Hơn nữa việc sử dụng ma túy qua đường tiêm chích, cũng là nguyên nhân chính khiến người nghiện và người thân của họ, dễ bị lây nhiễm các loại bệnh xã hội, đặc biệt là HIV/AIDS.
Sự bình yên của nhiều gia đình bị đe dọa, an ninh trật tự ở địa phương bị xáo trộn, các loại bệnh xã hội gia tăng, là thực trạng khiến cho việc điều trị thay thế Methadone trở nên cần thiết. Nhận thức được các nguy cơ kề cận, nhiều bệnh nhân đã tự tìm đến cơ sở điều trị Methadone để được uống thuốc mỗi ngày. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân đang tham gia điều trị tại cơ sở điều trị Methadone huyện Đại Từ là 310/250 bệnh nhân theo kế hoạch. 100% số bệnh nhân được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao, bệnh lây truyền qua tiêm chích và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; được tư vấn và xét nghiệm HIV, tư vấn phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua tiêm chích, qua quan hệ tình dục không an toàn; các bệnh nhân nhiễm HIV được lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe định kỳ, điều trị ARV khi điều kiện, sức khỏe đảm bảo cho uống Methadone. Cơ sở còn tổ chức khám sàng lọc và xét nghiệm định kỳ cho bệnh nhân để phát hiện nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C, ngoài ra còn làm các xét nghiệm chức năng gan, huyết học và một số xét nghiệm khác phục vụ cho công tác điều trị. Trong giai đoạn dò liều những bệnh nhân còn sử dụng ma túy bằng đường tiêm chích được cấp bơm kim tiêm sạch.
Sau 3 năm điều trị, tỷ lệ bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin đã giảm. Cơ sở đã xét nghiệm heroin thường xuyên cho bệnh nhân, có những bệnh nhân được xét nghiệm 5 lần/tháng. Trong số bệnh nhân đã điều trị trên 12 tháng đã có 251 bệnh nhân xét nghiệm heroin âm tính liên tiếp trong vòng 6 tháng với tổng số 4.575 lượt test heroin. Số bệnh nhân còn lại đã ngừng và giảm liều sử dụng heroin, không có bệnh nhân nào sử dụng heroin bằng hoặc cao hơn trước khi điều trị Methadone. Với bệnh nhân vẫn còn sử dụng heroin trong quá trình điều trị thì tần suất và số lượng sử dụng đã giảm nhiều so với trước điều trị (bệnh nhân chỉ còn sử dụng từ 1-2 lần/tháng so với trước điều trị là trung bình 60 lần/tháng). Từ khi huyện triển khai chương trình chưa có bệnh nhân nào bị quá liều điều trị, không có bệnh nhân tử vong do quá liều. Không có bệnh nhân bị ngộ độc hoặc tai biến xảy ra; các trường hợp có bệnh lý kèm theo, có phản ứng phụ do Methadone đều được các bác sĩ, các chuyên gia quốc tế khám, hội chẩn và điều trị.
Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán của anh Vũ Hoài Nam: Nếu đưa một bệnh nhân vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội, Nhà nước chi khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, trong khi sử dụng Methadone là 500 nghìn đồng/người/tháng. Chúng tôi cũng đã thành lập được Câu lạc bộ bệnh nhân Methadone và xây dựng nội quy sinh hoạt của Câu lạc bộ. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được 100% số bệnh nhân của Cơ sở tham gia sinh hoạt với các nội dung phong phú và thiết thực. Các bệnh nhân cũng chia sẻ kinh nghiệm điều trị và tự động viên nhau thực hiện tốt hướng dẫn điều trị của cán bộ y tế. Anh Nguyễn Văn Lương, ở thị trấn Hùng Sơn là một trong số những người nghiện đang dùng Methadonne, đã có thể tự lao động kiếm sống, có sinh hoạt tích cực hơn, thời gian khi chưa sử dụng, anh Lương chỉ lo đi kiếm thuốc mà không thể làm bất cứ việc gì.
Những kết quả bước đầu cho thấy, những bằng chứng rõ ràng rằng việc triển khai chương trình Methadone đã đạt được các mục tiêu đề ra. Điều trị Methadone kết hợp với tư vấn, hỗ trợ tâm lý xã hội và các biện pháp giáo dục, quản lý, hỗ trợ hướng nghiệp tạo việc làm ổn định lâu dài có thể giúp bệnh nhân từ bỏ việc sử dụng các chất dạng thuốc phiện. Anh Vũ Hoài Nam cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền, giáo dục đến nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm với việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xét chọn bệnh nhân và quản lý bệnh nhân vào điều trị tại Cơ sở Methadone; duy trì số bệnh nhân tại cơ sở là 300 người; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở Methadone đặc biệt là kỹ năng về tư vấn cho bệnh nhân...