Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, điều trị sớm ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bằng phác đồ 3 thuốc, cho trẻ ăn sữa thay thế sữa mẹ có thể khống chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% - Tức là loại trừ được lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ nếu phụ nữ nhiễm HIV nhận được các can thiệp phù hợp và kịp thời. Như vậy phụ nữ nhiễm HIV và phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần phải biết tình trạng nhiễm HIV của mình bằng cách tiếp cận sớm với tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để được điều trị ARV kịp thời và con của họ được điều trị bằng thuốc ARV và nuôi dưỡng phù hợp. Nhưng thật đánh tiếc, hiện nay tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện tình trạng nhiễm HIV còn quá muộn, nhiều trường hợp chỉ phát hiện vào lúc chuyển dạ. Chính điều này đã cản trở việc cứu nhiều trẻ khỏi nhiễm HIV từ mẹ.
Hiện nay, với sự hỗ trợ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nhiều tỉnh đã bắt đầu triển khai chương trình tư vấn xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai, điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và tuổi thai.
Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế bị cắt giảm mạnh, một số dịch vụ chăm sóc và điều trị đã không còn được miễn phí như điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, điều trị một số bệnh nhiễm trùng cơ hội, một số xét nghiệm phục vụ điều trị, tuy nhiêm Chính phủ cam kết không để thiếu thuốc ARV điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Xác định đây là hoạt động có hiệu quả cao, thiết thực và mang đầy tính nhân văn cao cả, trong những năm qua, Bộ Y tế tiếp tục triển khai Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tháng 6 hàng năm. Trong tháng này, song song với việc tăng cường cung cấp dịch vụ dự phòng là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và của cả các cấp lãnh đạo về lợi ích của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng vào các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguyên nhân chủ yếu do họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng nên không chủ động tìm kiếm dịch vụ. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngại tiếp cận các dịch vụ và nếu có thì cũng ở giai đoạn muộn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Tại Việt Nam, để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời với các nỗ lực của Chính phủ, các địa phương cần triển khai thực hiện đầy đủ 04 hợp phần của một chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, trong đó tập trung vào làm giảm sự lây truyền HIV trong phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để kịp thời can thiệp toàn diện các biện pháp dự phòng đối với mẹ và con để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.