Cập nhật: Chủ nhật 14/12/2014 - 16:50
Nông dân xóm Tiến Thành 1, xã Bình Thuận (Đại Từ) thu hái chè vụ đông.
Nông dân xóm Tiến Thành 1, xã Bình Thuận (Đại Từ) thu hái chè vụ đông.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có xấp xỉ 21 nghìn ha chè, trong đó diện chè thành phẩm chiếm khoảng gần 18 nghìn ha, tăng gần 1 nghìn ha so với năm 2013. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng chè búp tươi chỉ đạt khoảng 193 nghìn tấn, thấp hơn 7 nghìn tấn so với kế hoạch đề ra.

Theo nhận định của ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay là một năm sản xuất chè gặp nhiều khó khăn, bởi đầu năm thời tiết xấu. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao trên 90% kéo dài. Hình thái thời tiết này rất thuận lợi cho bệnh phồng lá chè phát triển. Do vậy, ở nhiều địa phương, bệnh phồng lá chè đã phát sinh trên diện rộng, khiến cho năng suất chè vụ xuân giảm đáng kể.

 

Đơn cử như ở huyện Đồng Hỷ, bệnh phồng lá chè xảy ra trên diện rộng khiến cho năng suất, sản lượng chè của huyện bị sụt giảm. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Toàn huyện có 2,8 nghìn ha chè, trong đó có 2,6 nghìn ha chè kinh doanh. Năm 2014, huyện phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 34 nghìn tấn, tăng 5% so với năm 2013. Tuy nhiên, do thời tiết xấu vào đầu vụ nên đến hết tháng 9 sản lượng chè trên địa bàn mới đạt 25,5 nghìn tấn, bằng 75% kế hoạch năm, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Đến thời điểm này, sản lượng chè của huyện đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, chỉ có năm 2014 là năm sản lượng chè của huyện Đồng Hỷ không tăng. Bà Nông Thị Hồng, một người sản xuất chè ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Do chè bị sâu bệnh hại nên chúng tôi đã phải tiêu tốn khá nhiều tiền của, công sức chăm bón. Ngoài việc mất nhiều công sức để vệ sinh nương chè, làm sạch cỏ dại, tỉa bớt cành cây che bóng, tạo độ thông thoáng trong nương chè, chúng tôi phải mua thêm khá nhiều phân kali về bón để tăng sức chống chịu bệnh cho cây chè. Nhất là với những nương chè bị nhiễm bệnh, chúng tôi phải ngừng bón phân hóa học và xử lý bằng một trong các loại thuốc hóa học như Manage 5 WP, Starsuper 20WWP, Diboxylin 4SL…, phun 2 lần, cách nhau 7 đến 10 ngày. Thậm chí với những nương chè bị bệnh nặng, chúng tôi phải áp dụng biện pháp đốn đau, đốn phớt nên sau khi hết bệnh phồng lá, cây chè cần có thời gian phục hồi và chưa thể cho búp ngay được.

 

Cùng với việc bị ảnh hưởng của bệnh phồng lá, việc phá bỏ các diện tích chè trung du đã già cỗi để chuyển sang trồng lại bằng các giống chè cành cũng là nguyên nhân khiến sản lượng chè của tỉnh không hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích chè già cỗi bị phá bỏ để trồng thay thế trong năm nay là khoảng 1.000ha, trong khi đó, những diện tích chè kiến thiết cơ bản của năm nay chuyển sang chè kinh doanh chỉ bằng khoảng 50% số bị phá bỏ.

 

Mặc dù sản lượng chè chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, nhưng năm nay diện tích chè trồng mới, trồng lại bằng các giống năng suất, chất lượng của Thái Nguyên lại đạt cao nhất từ trước đến nay (gần 1.750ha). Đây sẽ là tiền đề để tỉnh ta phát triển mạnh cây chè cả về diện tích, năng suất, sản lượng trong những năm tới. Để bù vào số sản lượng chè bị thiếu hụt trong  năm  nay, tỉnh ta phấn đấu trong năm 2015 sẽ có 200 nghìn tấn chè búp tươi. Nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi tập trung chất lượng cao, tạo nguyên liệu cho chế biến của các làng nghề và thu hút doanh nghiệp trong, đầu tư chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, làm cơ sở cho xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ về giống, canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm chè Thái Nguyên; mở rộng sản xuất chè theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

 

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chuyển đổi giống chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, có khả năng thích ứng rộng; xây dựng vườn ươm giống chè cây đầu dòng và hệ thống vườn ươm phục vụ trồng chè trong hiện tại và giai đoạn tiếp theo; tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý Nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nguyên liệu chè búp tươi; thực hiện thí điểm hệ thống chỉ số an toàn sản phẩm chè... Ngoài ra, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nắm vững kỹ thuật trồng, chăm bón, phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho cây chè; tăng cường hướng dẫn các hộ dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất chè.

Tùng Lâm