Tuy nhiên, tại Việt Nam, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người dân tham gia bảo hiểm y tế mới chỉ đạt khoảng 69% dân số. Một số nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chỉ từ 15% đến 55% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân người có thẻ bảo hiểm y tế trong cộng đồng. Một điều đáng lưu ý là chỉ có khoảng 75-80% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng thẻ này khi khám chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.
Một trong các nguyên nhân hiện nay người nhiễm HIV chưa tham gia bảo hiểm y tế hoặc không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh là do có tới hơn 90% thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế tài trợ. Trong thời gian tới, nguồn kinh phí mua thuốc ARV sẽ bị cắt giảm nhanh, nếu không có nguồn thay thế, nhiều người nhiễm HIV có thể không được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị sẽ dẫn đến kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần. Do vậy việc chi trả các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV thông qua bảo hiểm y tế và người nhiễm HIV phải có thẻ bảo hiểm y tế và sử dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh kể cả điều trị bằng thuốc kháng vi rút là giải pháp bền vững trong chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV.
Hiện nay có một số ý kiến cho rằng, nếu chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế có thể tăng gánh nặng quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy, chi phí trung bình cho việc điều trị cho bệnh nhân AIDS không cao so với chi phí trung bình trong điều trị cho một số bệnh mạn tính khác mà bảo hiểm y tế đang chi trả như chạy thận nhân tạo hay đái tháo đường v.v…Một nghiên cứu về chi phí điều trị cho bệnh nhân AIDS tại Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, chi phí cho một bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV bậc 1 trung bình chỉ khoảng 6 triệu đồng/năm. Chi phí trung bình cho một bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS chỉ là 4,3 triệu đồng/đợt điều trị. Do vậy chi phi điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS không làm tăng gánh nặng cho bảo hiểm y tế. Hơn nữa HIV/AIDS phải được coi như là một bệnh truyền nhiễm thông thường như các bệnh truyền nhiễm mãn tính khác. Việc được chăm sóc sức khỏe cũng như tham gia bảo hiểm y tế là quyền của mỗi người dân. Do vậy việc chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV thông qua bảo hiểm y tế là một chủ trương đúng đắn và cần thiết.
Hiện nay Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ đưa dần các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế. Do vậy bảo hiểm y tế là một trong các giải pháp tài chính bền vững đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS tránh được nghèo đói do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh khác. Bệnh nhân là người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, khi khám, chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác. Ngoài ra họ còn được chi trả cho các dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS.
Để tăng cường sự tham gia và sử dụng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV đòi hỏi một giải pháp đồng bộ bao gồm việc truyền thông để người nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm y tế, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm y tế. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý và có chính sách hỗ trợ để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận dễ dàng với bảo hiểm y tế như miễn phí hay hỗ trợ mệnh giá cho người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện… Việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu của người nhiễm HIV/AIDS cũng cần được quan tâm. Theo Luật bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện và tương đương. Tuy nhiên với người nhiễm HIV, việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn vì hầu hết các dịch vụ điều trị toàn diện bằng thuốc kháng vi rút được cung cấp tại tuyến này. Như vậy sẽ tránh được việc chuyển tuyến, chuyển tiếp không cần thiết.