Cập nhật: Thứ năm 18/12/2014 - 14:29

HIV là gì? AIDS là gì?

HIV là một loại vi rút khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ phá hủy những nhóm tế bào đặc biệt của hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống đỡ lại bệnh tật.

 

AIDS là giai đoạn cuối của quá trình bị nhiễm HIV, khi hệ miễn dịch đã bị phá hủy nặng nề và không thể bảo vệ được cơ thể được nữa.

 

Từ khi nhiễm HIV đến giai đoạn AIDS có thể kéo dài nhiều năm, tùy theo ý thức giữ gìn sức khỏe của người bệnh cũng như chất lượng các hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, và chăm sóc về y tế dành cho họ.

 

HIV phát triển thành AIDS như thế nào?

 

Sơ nhiễm (Giai đoạn Cửa sổ):

 

- Ba tháng đầu kể từ khi HIV xâm nhập cơ thể;

 

- Người nhiễm vẫn khỏe mạnh bình thường;

 

- Xét nghiệm âm tính, chưa phát hiện được bệnh;

 

- Giai đoạn rất nguy hiểm – Người nhiễm có thể truyền HIV cho người khác mà không biết. Giai đoạn này cũng là lúc HIV dễ dàng lan truyền từ người nhiễm sang người khác nhất.

 

Giai đoạn nhiễm HIV

 

- HIV dần hủy hoại hệ thống miễn dịch;

 

- Ở hầu hết các trường hợp, cơ thể vẫn khỏe mạnh, không có bất cứ triệu chứng nào;

 

- Tuy nhiên, một số biểu hiện có thể gặp phải ở một số trường hợp: đổ mồ hôi vào ban đêm, sốt, sút cân, mệt mỏi rã rời, nôn, tiêu chảy, viêm da nhờn, nấm miệng.

 

Người nhiễm cần lưu ý chăm sóc sức khỏe để có thể kéo dài cuộc sống bình thường.

 

Giai đoạn AIDS

 

- Hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, mất khả năng chống đỡ lại bệnh tật;

 

- Các bệnh nhiễm trùng cơ hội (những bệnh lây nhiễm nhân cơ hội hệ thống miễn dịch suy yếu) phát triển rất nhanh;

 

- Biểu hiện thường thấy:

 

+ Sốt kéo dài;

 

+ Giảm cân;

 

+ Lở loét ngoài da;

 

+ Đau rát miệng;

 

+ Tiêu chảy và mất cảm giác thèm ăn;

 

+ Ho, viêm phổi, lao;

 

+ Phụ nữ có thể gặp các vấn đề thuộc bộ phận sinh dục như nấm âm đạo.

 

AIDS được phát hiện khi nào? Ở đâu? Trên thế giới hiện có bao nhiêu người mắc căn bệnh này?

 

Mẫu máu có HIV dương tính được phát hiện đầu tiên vào năm 1959 tại Zaize - châu Phi. Mãi đến năm 1981, bệnh AIDS trên lâm sàng được phát hiện đầu tiên tại Mỹ. Đó là 5 trường hợp đồng tính luyến ái nam bị viêm phổi nặng ở Los Angeles ( Califonia, Mỹ) do P. Carini phát hiện. Tháng 3 năm 1981 nhiều trường hợp ung thư da Kaposi được báo cáo ở New York. Một điều đáng lưu ý là tất cả các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch trầm trọng này đều là những người trẻ, đồng tính luyến ái, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân của tình trạng này lúc đó chưa được biết song dựa trên các yếu tố địa lý người ta cho rằng đây là một bệnh truyền nhiễm hoặc có liên quan đến môi trường.

 

Năm 1982, người ta thấy căn bệnh tương tự như trên ở những người mắc bệnh ưa chảy máu, nghiện chích ma túy, những người Haiti có quan hệ tình dục khác giới và những đứa con sinh ra từ những người mẹ trong nhóm người bị bệnh. Các bệnh án này chứng minh giả thuyết căn nguyên là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus (tương tự virus viêm gan) lan truyền qua đường máu, đường sinh dục và từ mẹ sang thai nhi.

 

Tháng 6/1983, khi sinh thiết hạch cho bệnh nhân AIDS, Luc Montagnien và Barré Sinousi đã phân lập được virus gây bệnh và đặt tên là LAV ( virus liên quan đến bệnh hạch). Sau đó 1 năm, Robert Gallot ở Trung tâm ung thư của Mỹ đã khẳng định công trình của L. Montagnien. Năm 1986, nhóm của L. Montagnien lại phân lập thêm một virus tương tự ở Trung Phi. Cuối năm 1986, tại Hội nghị quốc tế tại Giơnevơ các nhà khoa học đã thống nhất tên gọi của hai loại virus này là HIV.

 

Dịch HIV/AIDS tuy mới xuất hiện từ đầu năm 1980 nhưng đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em.

 

HIV lây truyền qua những con đường nào?

 

- Đường tình dục

 

HIV có thể lây truyền qua tất cả các cách quan hệ tình dục (đường hậu môn, đường âm đạo, hoặc miệng) nếu khống sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách.

 

HIV đặc biệt dễ lây qua các cách quan hệ dễ gây xây xước (ví dụ: quan hệ đường hậu môn, đường âm đạo) hoặc quan hệ có tiếp xúc với các vết thương hở.

 

- Đường máu:

 

Bạn có thể nhiễm HIV nếu dùng chung dụng cụ tiêm chích hay các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô trùng hoặc không đảm bảo nguyên tắc khử trùng/vô trùng.

 

- Đường từ mẹ sang con:

 

Người mẹ bị HIV có thể lây cho con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú.

 

Làm thế nào để biết tôi có bị nhiễm HIV hay không?

 

Xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết mình có nhiễm HIV hay không.

 

Nếu bạn đã có những hành vi nguy cơ (quan hệ tình dục với phụ nữ mại dâm/bạn tình không sử dụng bao cao su; dùng chung bơm kim tiêm hay các dụng cụ xăm mình, bấm lỗ tai), hãy đến ngay các Trung tâm tư vấn để được giúp đỡ.

 

* Các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao:

 

- Dùng chung bơm kim tiêm và dụng cụ tiêm chích khi chích ma túy;

 

- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo không dùng bao cao su;

 

- Quan hệ tình dục qua hậu môn không dùng bao cao su;

 

- Quan hệ tình dục với nhiều người, đều không dùng bao cao su;

 

- Quan hệ không dùng bao với người mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

 

- Dùng lại bao cao su đã qua sử dụng;

 

- Quan hệ tình dục dùng bao nhưng bao rách.

 

* Các hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV thấp:

 

- Hôn ướt, hai người đều có vết loét trong miệng;

 

- Quan hệ tình dục bằng đường miệng.

 

* Các hành vi không có nguy cơ lây nhiễm HIV:

 

- Đi chung xe với người nhiễm;

 

- Dùng chung hồ bơi với người nhiễm;

 

- Dùng chung bệ xí với người nhiễm;

 

- Hôn “khô”;

 

- Ăn thức ăn do người nhiễm nấu;

 

- Hiến máu, dụng cụ đã được khử trùng;

 

- Mặc chung quần áo với người nhiễm;

 

- Sử dụng bao cao su đúng cách cho tất cả các lần quan hệ tình dục, bao không rách, không tuột;

 

- Ngồi cạnh người nhiễm, người đó ho hoặc hắt xì hơi;

 

- Bị muỗi đốt.

 

Làm cách nào để có thể ngăn chặn lây truyền HIV?

 

Cách chắc chắn nhất để tránh lây truyền là tránh các hành vi nguy cơ cao đã được xác định. Có các biện pháp khác có thể áp dụng nhằm làm giảm nguy cơ, đáng chú ý như: bao cao su có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm; các phụ nữ mang thai có HIV dương tính có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho con mình thông qua điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV; và những người tiêm chích ma túy không được dùng chung bơm kim tiêm.

 

HIV chuyển sang giai đoạn AIDS trong thời gian bao lâu?

 

Thời gian chuyển sang giai đoạn AIDS khác nhau giữa người này và người khác và nó phụ thuộc rất nhiều vào việc người đó có được điều trị hay không. Đối với những người được điều trị, thời gian có thể là mười năm hoặc dài hơn nữa trước khi HIV chuyển sang AIDS. UNAIDS ước tính rằng phần lớn người nhiễm HIV tại các quốc gia có ít hoặc không có điều kiện tiếp cận điều trị có khoảng thời gian này là tám đến mười năm. Thời gian này thường ngắn hơn đối với trẻ em.


Nguồn: tiếngchuong.vn