Ông Bế Văn Mạnh là hộ dân đi đầu trong công cuộc khai phá vùng đất tưởng như vô giá trị này thành bãi chè ở đây cho biết: Trận lũ năm 2001 khiến gần 30ha đất nông nghiệp 2 bên bờ của con suối Cái, suối Hu của xã Mỹ Yên bị bồi lấp một lớp đất đá, cát sỏi làm nhiều diện tích cấy lúa trước đây thành bãi đá không thể canh tác được. Thiếu đất canh tác, trong những lúc nông nhàn, nhiều hộ dân trong xóm thường đi ra ngoài làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Riêng gia đình tôi, có 4 sào đất gần bờ suối Cái bị cát đá bồi lấp hết nên phải bỏ hằng năm trời để cải tạo diện tích đất này. Sau đó, tôi trồng màu nhưng không được thu hoạch vì nền đất toàn cát và đá sỏi, trồng cây gì cũng chết. Tiếc đất, tôi đã đổ thêm lớp đất mầu lên để trồng chè cành. Một, hai năm đầu chưa có nhiều kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè giống mới nên hay bị chết. Sau đó được đọc sách, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè giống mới nên giờ, 4 sào chè mỗi lứa cũng cho cho gia đình thu hơn 1,3 tạ chè khô. Với giá chè từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu nhập gần 100 triệu đồng, nhờ đó cuộc sống đã dần ổn định.
Gần đó, ông Phạm Văn Cổn vẫn đang miệt mài cuốc, san lấp đất trên bãi soi Mít để trồng chè. Ông chia sẻ: Bãi soi Mít ngày trước toàn đá và cây cỏ, không ai sử dụng. Thấy gia đình ông Mạnh làm nên “ cơ nghiệp” từ trồng chè giống mới trên bãi đá sỏi nên chúng tôi cũng làm theo. Trước đây, gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa nên thời gian rảnh tôi cũng đi ra ngoài làm thuê nhưng lúc có việc lúc không nên thu nhập bấp bênh. Năm 2009, gia đình tôi mới bắt đầu “khai phá” bãi soi Mít với diện tích gần 3 sào. Mất nửa năm, bỏ vốn hàng trục triệu đồng đầu tư để đổ thêm lớp đất mầu trồng chè, hiện tại, chè đã đến tuổi cho thu hoạch( thu gần 60 triệu đồng/năm).
Được biết, vào mùa mưa, nước ở suối Cái rất lớn nên thường xuyên tràn vào nhà dân, cuốn trôi hoa màu và làm hư hỏng tuyến đường giao thông liên xã của xóm. Trước thực trạng đó, năm 2011, Nhà nước đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây bờ kè dài hàng trăm mét tại những điểm xung yếu dọc bờ suối chống sạt lở. Từ đó, tình trạng lũ tràn vào nhà dân ở xóm Lò Gạch đã giảm đi đáng kể, tuyến đường liên xã nằm sát với bờ suối không còn bị nước làm sạt lở. Cũng từ đây, những bãi đá, sỏi dọc bờ suối đã được người dân mạnh dạn bỏ công sức, vốn để cải tạo trồng chè. Tại những xóm: Lò Gạch, La Vương, Đình đã có hàng trăm hộ dân cải tạo đất bãi đã hoang hóa để trồng chè. Mặc dù bỏ nhiều công sức để cải tạo nhưng ở nơi gần nguồn nước, gần nhà nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch chè. Đặc biệt, những vùng đất này có địa hình phù hợp để cây chè giống mới nên năng suất, chất lượng cao hơn hẳn giống chè truyền thống của địa phương. Bà Đào Thị Sinh, ở xóm Là Vương cho biết: Trước đây, gia đình tôi cũng trồng chè ở tận trên nương, vừa vất vả mà chỉ trồng được giống chè Trung du nên năng suất, chất lượng rất thấp. Đến nay, gia đình cải tạo khu vực bãi soi để trồng chè giống mới, còn nương chè ở trên rừng cao trồng cây để bán. Tuy diện tích chè ở đây ít hơn bãi trên đồi cao nhưng cho thu hoạch cao hơn hẳn vì thường xuyên được tưới nước. Nhiều người dân trong xóm của tôi đã chuyển diện tích chè trên núi trước đây sang trồng cây và tập trung trồng chè giống mới tại các bãi ven suối. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ sản xuất chè an toàn.
Theo bà Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên: Đối với những diện tích bãi bồi, sỏi đá hoang hóa hoặc không cấy được lúa, chính quyền địa phương tạo điệu kiện cho người dân cải tạo để trồng chè giống mới. Còn, những diện tích đất có thể cấy lúa được, chính quyền địa phương chủ động tuyên truyền để người dân không được tự ý đổ đất trồng chè.
Tính đến nay, dọc theo 2 bên bờ suôi Cái chảy qua 3 xóm trên, người dân đã trồng gần 10ha chè giống mới trên những diện tích đất hoang hóa từ lâu. Việc cải tạo đất bãi hoang hóa để phát triển cây chè giống mới đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân làm chè nơi đây cũng như góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm Trà Thái Nguyên.