Trong không khí háo hức, nồng ấm chuẩn bị đó Xuân sang, chúng tôi về làng Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) để được cùng bà con dân bản chuẩn bị cho một Lễ hội khá độc đáo - Lễ hội Oóc Pò của đồng bào người dân tộc Nùng Phàn Sình.
Mới gặp lần đầu mà như đã thân thiết từ lâu, ông Hoàng Văn Toòng, người cao tuổi có uy tín của làng nắm tay tôi, bảo: Người Nùng mình quý khách, mến khách, đã đến chơi với nhau thì ở lại ăn với gia đình bữa cơm, uống lưng chén rượu và trò chuyện. Say thì ngủ lại nhà… Bấm đốt tay, ông Toòng kể: Từ năm 1930, một số gia đình thuộc các dòng họ: Hoàng, Lâm, Chu, Lý, Nguyễn, Lăng… từ vùng đất Bình Gia (Lạng Sơn) di cư về đây, phát rừng, đuổi thú lập nên làng Tân Đô ngày nay. Hiện làng Tân Đô có 107 gia đình, trong đó có hơn 80% là người dân tộc Nùng Phàn Sình… Không chỉ là người cao tuổi có uy tín, trong làng Tân Đô, Ông Toòng còn là một thầy mo, thầy tào có uy tín trong vùng. Theo phong tục: Người được các thầy mo, thầy tào cao tay lớp trước làm lễ cấp sắc mới gánh được trọng trách thay bà con trong làng tế lễ Oóc Pò ở Đình.
Nhấp chén rượu được hâm nóng bên bếp, cái lạnh tím tái da thịt của đoạn đường từ T.P Thái Nguyên lên phút chốc tan biến. Tôi tự nhủ: Cái tình cảm thân thiện của con người dành cho con người ấm áp, quý giá hơn nhiều thứ vật chất tầm thường mà nhiều người đời ham muốn. Tôi nhìn ra trước nhà, thấy làng Tân Đô hôm nay có rất nhiều đổi mới. Từ đầu làng bà con đã xây dựng lên một cổng chào lớn và tít tắp đến cuối làng là con đường bê tông sạch đẹp, nhưng những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào vẫn được gìn giữ, vẹn nguyên, giống như những phong tục tập quán đẹp được đồng bào lưu truyền từ đời này sang đời khác, trong đó có Lễ hội Oóc Pò.
Lễ hội Oóc Pò hay còn gọi là Lễ hội ra đồi - cầu mùa của đồng bào dân tộc Nùng. Đây là một Lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc, tích tụ hồn cốt của đồng bào người dân tộc Nùng, nên trải bao đời nay, Lễ hội Oóc Pò được đồng bào lưu truyền như vật báu của tổ tiên, từ đời này sang đời khác, không cải biến, cứ chân chất nguyên bản gốc truyền thống, bởi Lễ hội Oóc Pò đã thâm sâu vào huyết mạch của mỗi người con dân tộc Nùng từ thuở ấu thơ. Lễ hội được tổ chức vào ngày 4 Tết hằng năm. Nhưng từ trước Tết Nguyên đán mươi hôm, bà con dân làng đã hội họp, phân công nhau làm các công việc chuẩn bị. Trong lúc các trai làng vạm vỡ được phân công nhau đi tìm cây mai non, cao 12 mét, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, mà phải là cây mới ra lá để làm cây nêu, thì các cô gái chuẩn bị gạo, muối làm quả còn ngũ sắc; các cụ già làm hình bán nguyệt treo trên đỉnh cây nêu. Và trên 1 thảm ruộng, 2 chàng trai khỏe mạnh của làng là Lâm Văn Hoa; Lâm Minh Tuấn mặc áo cà sa, tay cầm mảnh vải đỏ có hình tam giác tập lại điệu múa Khuẩy Slư. Động tác uyển chuyển, linh hoạt như người đang múa võ trên xới ngày hội đầu Xuân. Xung quanh Hoa và Tuấn còn có 12 trai, gái mang trang phục truyền thống dân tộc Nùng múa điệu Khẩu Siều. Điệu Khuẩy Siều vừa hết, mọi người lại chuyển sang điệu Xiên Tâng và lặp lại 2 điệu múa này một cách linh hoạt, uyển chuyển.
Cũng từ trước Tết Nguyên đán, từ các ngôi nhà sàn, tiếng người í ới gọi nhau mổ chung lợn Tết, ngâm gạo, làm bánh, các dòng họ Hoàng, Lâm, Chu, Lý, Nguyễn, Lăng… trong làng nhắc nhau chọn con gà trống đẹp mã, tốt cựa và chai rượu, chút gạo nếp làm xôi để ngày chính lễ (mùng 4 Tết) mang ra đình kính dâng lên Thành hoàng. Khi bà con dân làng mỗi người một việc, thì ông Toòng mở chiếc hòm riêng của mình, lấy ra bộ đồ mặc khi làm lễ, gồm áo the, khăn xếp và chiếc quần màu trắng để xem lại, chuẩn bị cho ngày quan trọng nhất của làng trong năm. Theo tâm niệm của đồng bào Nùng, hôm ấy (ngày làm Lễ), ông Toòng, người làm thầy mo, thầy tào sẽ là người đại diện cho dân làng tiếp các vị vua trên trời, nên trang phục không thể mặc áo vàng dài của thầy mo, không mặc áo xanh và áo cà sa của thầy tào. Ở làng Tân Đô, trước ông Toòng có ông Hoàng Văn Xẩy, trước ông Xẩy có ông Lâm Văn Hẻn… làm chủ tế trong Lễ Oóc Pò tại đình làng Tân Đô.
Theo bà Lăng Thị Phong, người của làng: Đây là điệu múa Cầu an; điệu múa vui nhộn nhất trong Lễ hội. Do điệu múa có liên quan tới một số động tác võ thuật, nên yêu cầu người tham gia đội múa phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có tinh thần thượng võ. Do điệu múa được lặp qua, lặp lại, nên thời gian có thể không hạn chế, nhưng tối thiểu phải diễn xướng được 15 phút; về số người tham gia múa tối thiểu là 12 và càng đông càng vui… Điệu múa Cầu an được thực hiện ngay sau khi chủ tế đã làm xong các thủ tục nghi lễ cần thiết trong đình làng. Nghi lễ được Thành hoàng tiếp nhận thông qua 3 lần xin tén (xin âm dương): Lần 1 mời Thành hoàng về hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Lễ vật gồm: Đăng đèn, oản, quả, gà, xôi, tiền vàng mã…; lần 2 Thành hoàng đồng ý phù hộ cho dân làng được 1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh; lần 3 thể hiện sai khi Thành hoàng “quang lâm giá đáo, hưởng lộc” và đã về trời. Lúc này, chủ tế từ trong đình bước ra, đánh liền 3 hồi trống khai hội. Điệu múa Cầu an được bắt đầu trong tiếng thanh la, dạo bạt nền nã, từng bước chân đều đặn, mau lẹ chạy hình chữ chi, tạo thành vòng tròn, rồi lại biến hóa sang hình số 8, khiến những người xem muốn được hòa mình vào cuộc. Cũng lúc này, chủ tế đi thẳng một mạch đến bên cây nêu được dựng ở đám ruộng gần đó, nín thở, thành tâm, cắm xuống cạnh chân cột 3 cây hương. Lập tức, những quả còn mang tua xanh, tua đỏ do Ban tổ chức Lễ hội tung ra, Hội làng bắt đầu với các trò tung còn, đánh yến, bắn nỏ, đánh sảng, cờ tướng, kéo co… được diễn ra ngay ở các đám ruộng gần đình.
Hội diễn ra đến cuối chiều, chủ nhà mời bạn bè ở xa về đến thăm, mời loại rượu ngon nhất được ủ, nấu từ dạo Đông chí và thưởng thức những món ngon nhất gia đình có được như khau nhục, gà chạy đồi, bánh nếp, bánh tẻ… Vừa thưởng rượu, mọi người vừa say sưa cất lên câu sli, câu lượn cho tới lúc gà gáy gọi ánh nắng ban mai mới hát lời dã bạn; bước vào một năm mới an bình, thịnh vượng.