Cụ thể, trong năm 2007, tỷ lệ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chỉ ở mức 28,2%, nhưng đến năm 2014, con số này đã lên đến 61,3%. Đáng lưu ý, tại 7 tỉnh Đông Nam bộ, trong khi nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu giảm dần từ 44% năm 2010 xuống còn 29,27% năm 2014 thì lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục lại tăng từ 41,8% năm 2010 lên 53% năm 2014. Đối với các tỉnh Tây Nam bộ, nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục vẫn là chủ đạo và tăng từ 68,7% năm 2010 lên 70,3% trong năm 2014.
Trước tình hình trên, bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã đề nghị ngành y tế các địa phương khu vực phía Nam cần nghiên cứu lại công tác phòng, chống HIV/AIDS ở cơ sở. Trong đó, lưu ý công tác giám sát và điều trị sớm, bởi hiện nay, mặc dù số điều trị bệnh nhân HIV/AIDS hàng năm tăng liên tục, song con số phát hiện cao gấp 2-2,5 lần so với con số được đưa vào điều trị.
Liên quan đến công tác giảm thiểu can thiệp tác hại, bà Phan Thị Thu Hương cho rằng, trong thời gian qua phương pháp điều trị bằng Methadone đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đối với mô hình dịch ở khu vực phía Nam chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục nên các địa phương không được bỏ qua chương trình bao cao su, tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Về công tác kiểm soát đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành có văn bản quy định cụ thể việc báo cáo số liệu các bệnh nhiễm khuẩn liên quan tình dục của các khoa da liễu; Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện... Đồng thời, cần quy định khám sức khỏe và thực hiện xét nghiệm bệnh lây qua đường quan hệ tình dục (STI) định kỳ cho các nhân viên nhà hàng, khách sạn để đơn vị khám và điều trị da liễu dễ tiếp cận các nhóm khách hàng nguy cơ cao. Mặt khác, với kinh phí ngày càng giảm, cần tập trung nguồn lực và nhân lực vào nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mại dâm, MSM (nam có quan hệ đồng giới).
Theo số liệu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2014, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV còn sống ở 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam là trên 98.500 người; số trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống hơn 38.800 người và 29.520 trường hợp đã tử vong do HIV/AIDS. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có dân số chỉ chiếm gần 23% dân số của khu vực, nhưng lại có lũy tích số trường hợp nhiễm HIV còn sống tới trên 51%. Số ca HIV phát hiện hàng năm tại khu vực này đạt mức cao nhất trong năm 2007 với 14.603 ca; sau đó liên tục giảm cho tới nay còn 5.498 ca trong năm 2014, giảm 62,7% so với đỉnh dịch 2007./.