Theo báo cáo điều tra 7.587 bệnh nhân nhiễm HIV tại 30 phòng khám ngoại trú HIV trên toàn quốc giai đoạn 2005 – 2009 cho thấy: Tỷ lệ đồng nhiễm HIV và vi rút viêm gan B là 14,2%; nhiễm HIV và vi rút viêm gan C là 36%. Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng cho biết: T ình trạng đồng nhiễm HIV và viêm gan vi rút dẫn đến việc điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV trở nên phức tạp; đồng thời có thể làm tăng quá trình tiến triển của vi rút HIV ở người nhiễm.
Trước trực trạng này, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai giám sát đánh giá lưu hành viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C và HIV trên các nhóm có nguy cơ cao trong đó có nhóm tiêm chích ma túy. Phác đồ điều trị HIV đã tối ưu hóa có tác dụng điều trị cả viêm gan B và HIV; đồng thời tiến hành sàng lọc vi rút viêm gan B và C đối với tất cả người nhiễm HIV; triển khai điều trị ARV cho người nhiễm HIV có viêm gan B và C. Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng triển khai điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con; tiêm vắc xin viêm gan B đối với người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều trị viêm gan C đồng nhiễm HIV vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn như: tỷ lệ nhiễm viêm gan C cao trong quần thể nhiễm HIV; tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C còn nhiều hạn chế; chi phí điều trị cao nhưng bảo hiểm y tế chi trả thấp (khoảng 30%). Bên cạnh đó, các qui định về đăng ký thuốc mới và thuốc mới chưa có trong hướng dẫn quốc gia cũng ảnh hưởng đến tiếp cận điều trị viêm gan C hiệu quả tại Việt Nam; việc mở rộng các can thiệp dự phòng hiện nay còn nhiều hạn chế do vấn đề nguồn lực.