Thái Nguyên - cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Tỉnh có hệ thống giao thông nối liền các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, trong những năm gần đây, Quốc lộ 3 cũ đã được sửa chữa, nâng cấp; đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được xây dựng hoàn thành. Trên bản đồ hành chính, các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh và Thủ đô Hà Nội tạo thành một tam giác kinh tế, trong đó có các hoạt động du lịch.
Theo thống kê của cơ quan chức năng: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 800 di tích các loại, trong đó có 510 di tích lịch sử, 39 di tích danh thắng, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng. Trong thời điểm hiện tại, những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và các điểm nghỉ dưỡng sinh thái chưa được khai thác triệt để, đang ở dạng tiềm năng, song chất chứa ở đó bao nét đẹp tiềm ẩn. Theo ông Vũ Nam, Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch): Trong tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn trong cả nước. Chính người Thái Nguyên làm cho những cảnh quan nơi địa phương mình sinh sống trở nên hấp dẫn. Hơn thế, những nét đẹp của ngành Du lịch đang tiềm ẩn từ lòng người, khi đủ độ chín, mỗi người dân Thái Nguyên có thể là một hướng dẫn viên du lịch.
Về làm du lịch, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để ngành Du lịch thật sự có đóng góp tích cực cho tỉnh trong những năm trước mắt, các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn cần chủ động liên kết hợp tác, xây dựng các tuor, tuyến. Cùng với đó là việc chính quyền địa phương có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh đến nghiên cứu phát triển du lịch, liên kết trong hoạt động lữ hành, tăng cường đào tạo hướng dẫn viên du lịch.
Có lẽ việc bàn hướng đi cho ngành Du lịch phát triển, thì đó là một việc làm thường xuyên của Thái Nguyên cũng như các tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng so với các tỉnh, thành khác, ngành Du lịch Thái Nguyên có nhiều thuận lợi hơn là sự tiềm ẩn những nét đẹp văn hóa trong ứng xử từ chính con người. Trên thực tế, tại các điểm du lịch của tỉnh đều có người dân tham gia những hoạt động liên quan tới phục vụ du khách, như bảo vệ, hướng dẫn du khách đi lại, bán hàng lưu niệm, ăn uống và làm dịch vụ lưu trú. Điều trân trọng được thể hiện ở người tham gia các hoạt động có liên quan tới du lịch đều chân chất, mộc mạc và chưa từng xảy ra chuyện chèn ép, “chém đẹp” du khách.
Có một lần lên thăm hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai), tôi được anh Kiều Chất tự nguyện dẫn lối, kiêm hướng dẫn viên du lịch. Nhà Kiều Chất ở chân núi, nên anh thuộc nằm lòng về những câu chuyện cổ tích và những dấu ấn lịch sử liên quan tới hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà. Kiều Chất đưa tôi đi qua 3 tầng hang, giới thiệu cho tôi hiểu hàng trăm nhũ đá với đủ dạng hình thù, song khi xuống núi lại hồn nhiên bảo: Công xá tùy tâm, chỉ xin chụp kiểu ảnh làm kỷ niệm, thân thiện đến thế là cùng. Một lần khác, khi lên thăm Khu du lịch sinh thái thôn Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), vào thăm nhà bà Ma Thị Lan, chúng tôi được chủ nhà cùng một số bà con trong thôn tiếp đón cởi mở. Họ chiêu đãi chúng tôi tiếng đàn Tính cùng lời then rộn ràng. Đến bữa, họ mời chúng tôi cùng ngồi vào mâm cơm. Bà Lan bảo: Hôm nay nhà có khách, cơm nước tươm tất hơn thường ngày. Tôi chống đũa, nhìn mâm cơm thấy có xôi ngũ sắc, gà chạy đồi, thịt om nõn cọ. Thấy tôi có vẻ đăm chiêu, bà Lan tiếp lời: Các bác từ dưới xuôi lên thăm nhà là vui, là quý. Còn chuyện ăn, uống, các bác cứ tự nhiên như người nhà. Vừa ăn cơm, uống rượu, vừa giao lưu văn nghệ, say nghiêng ngả mà thấy lòng nhẹ nhõm. Ra về, mua dăm ống cơm lam, mấy mớ rau rừng làm quà cho các cháu thấy giá cả cũng hợp lý.
Ông Triệu Đình Lợi, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa cho biết: Người Định Hóa cũng như đa phần người Thái Nguyên làm du lịch chưa có nghề, song cái chất dân dã, mộc mạc, không bao giờ đẩy du khách vào hoàn cảnh đã rồi để “chặt chém”, kiếm lợi lộc trước mắt.
Rời thôn Bản Quyên về T.P Thái Nguyên, chúng tôi đến thăm Khu Bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải (Thịnh Đức), cảm nhận như mình đang đi trong một khu rừng xanh mát, có những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới tán cây. Bao hơi nóng của những ngày đầu tháng Bẩy phút chốc tan biến. Đi men theo con đường nhỏ bám lấy bờ hồ nước, chúng tôi chợt bắt gặp tiếng đàn tính rộn ràng. Tiếng đàn của những nhân viên làm việc ở Khu Bảo tồn nền nảy, mời gọi. Họ là nhân viên phục vụ, là người hướng dẫn, giới thiệu cho du khách về Khu Bảo tồn, về đất và người Thái Nguyên. Họ thường nói với mọi người rằng: Du khách là thượng đế. Các thượng đế đã mang lại cho họ nồi cơm đầy và xin được nói lời cảm ơn du khách.