Hướng tới sản phẩm chất lượng cao
Huyện Đồng Hỷ có diện tích chè đứng thứ hai trong tỉnh, với trên 28.000ha. Cây chè tạo công ăn việc làm cho 13.000 hộ dân, chiếm khoảng 50% dân số toàn huyện. Trước kia, hầu hết bà con sản xuất chè trên địa bàn vẫn “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, chưa đổi mới tư duy để hướng tới sản xuất hàng hóa, chưa hợp nhau lại tạo thành sức mạnh để xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Thời gian gần đây, với sự ra đời của các HTX sản xuất, chế biến chè trong huyện đã khắc phục được cơ bản tình trạng trên. Các HTX đều tập trung đầu tư máy móc sản xuất, dây chuyền đóng gói sản phẩm; lượng hóa quy trình bón phân, chăm sóc cây chè; chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất thành phẩm chè búp khô; hình thành những nhóm chuyên biệt trong sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó, các HTX đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều, mẫu mã đa dạng, phong phú và có tư cách pháp nhân tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Nói về vấn đề sản xuất sản phẩm chè chất lượng cao của các HTX trên địa bàn, ông Phạm Kiều Hưng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ cho biết: Thời gian qua, các HTX sản xuất, chế biến sản phẩm chè trên địa bàn đều đã chủ động sản xuất chè theo quy trình sản xuất chè an toàn (VietGAP). Có thể kể đến một số HTX nổi bật như: Hà Phương, Hương Trà, Nguyên Việt, Trại Cài (xã Minh Lập), Tuyết Hương, Tân Trà (xã Hóa Trung), Tân Thành (xã Hòa Bình)… Sản lượng chè búp khô của các HTX đạt trên 20 nghìn tấn/năm.
HTX chè Tân Thành là một ví dụ trong chú trọng sản xuất sản phẩm chè chất lượng cao trên địa bàn. Các xã viên của HTX Tân Thành, xóm Tân Thành, xã Hòa Bình đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP từ năm 2009 trên diện tích 12 ha vùng chè nguyên liệu. Ông Lê Huy Phúc, Giám đốc HTX Tân Thành cho biết: Để HTX tồn tại và phát triển được, chúng tôi xác định sản phẩm chè Tâm Giao của mình phải đảo bảo: “Xanh – sạch - ngon”. Trong đó, xanh là phải giữ được tính chất đặc trưng của chè xanh như: Sản phẩm chè xoăn chắc, màu xanh xám, xanh đen, khi pha, nước trà có màu xanh hoặc xanh pha vàng sáng. Sạch là đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngon là chăm sóc, chế biến thế nào để đạt được yêu cầu khi thưởng thức trà phải có vị chát đượm dịu, ngọt hậu, hương thơm mùi cốm tự nhiên…
Hiểu được như vậy, chúng tôi đã tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, không được sử dụng phân hóa học mà phải dùng phân hữu cơ, vi sinh để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được tiến hành một cách cẩn thận, sử dụng thuốc thảo mộc, đúng liều lượng, thời gian quy định, ghi chép cẩn thận trong sổ sách... Chè hái về phải để lên nong nia hoặc đổ ra tấm bạt, đảm bảo sạch sẽ, rồi dùng tôn quay inox để sao. Có thể nói trong mỗi sản phẩm chè của chúng tôi đều thấm đượm cái tâm của người làm chè trong đó.
Tích cực chuẩn bị cho Festival Trà lần thứ 3
Chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3 năm nay, huyện Đồng Hỷ có 10 HTX được lựa chọn tham gia quảng bá sản phẩm chè, phục vụ nhu cầu của du khách. Hiện nay, xã viên các HTX này đều đang tích cực chăm sóc những nương chè nguyên liệu để sản xuất, chế biến sản phẩm chè an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời khẳng định thương hiệu của HTX.
Đến với HTX Tân Thành vào thời điểm này, chúng tôi nhận thấy bà con xã viên rất chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường sạch sẽ tại các nương chè nguyên liệu xanh bát ngát cũng như khu vực chế biến (sao sấy). Các nương chè đều được chăm sóc cẩn thận, phát triển đồng đều, không vương vãi rác các loại… Khu vực sao chè xây dựng tách riêng cũng vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Được biết, để chuẩn bị cho Festival năm nay, ngay từ đầu năm các xã viên của HTX đều đốn chè đúng cách, đúng thời điểm, bón phân hữu cơ đúng quy định. Đến thời điểm tổ chức Festival năm nay, đảm bảo các nương chè sẽ đồng thời bung những búp nõn mập mạp xanh biếc, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Còn tại HTX chè Tuyết Hương, có trụ sở tại xóm Na Long, Hóa Trung, các xã viên thì đang bận bịu với việc chuẩn bị bao bì bằng mây tre, thổ cẩm cho sản phẩm chè của mình. Chị Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX cho biết: Quá trình thành lập và đi vào hoạt động, chúng tôi đã được đã được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình cụ thể của Liên minh HTX tỉnh. Qua đó HTX còn được tiếp cận với các chương trình hội thảo, tập huấn do Liên đoàn HTX CHLB Đức (DGRV) tổ chức. Ngoài nắm chắc các kiến thức về chăm bón, sản xuất chè sạch, chúng tôi còn được DGRV hỗ trợ máy sao chè bằng ga, thuận lợi hơn trong sản xuất. Khi đã sản xuất được các sản phẩm chất lượng tốt, HTX đã tập trung vào cải tiến mẫu mã bao bì. Chúng tôi đưa vào sử dụng những hộp đựng trà bằng mây tre đan, thổ cẩm dệt thủ công, tuy rất giản dị nhưng thân thiện với môi trường và tinh xảo, xinh xắn. Từ đó, tạo được ấn tượng tốt nhất là đối với khách du lịch, khách nước ngoài… Chuẩn bị cho Festival lần này, chúng tôi đang chuẩn bị đưa vào sử dụng những bao bì bằng chất liệu thổ cẩm, nhằm phục vụ tốt hơn khách hàng của mình. Được biết HTX thành lập từ năm 2012 với 12 xã viên và 15ha chè nguyên liệu này mỗi năm tiêu thụ được gần 50 tấn trà thành phẩm.
Tại HTX chè Tân Trà, có trụ sở tại xã Hóa Trung, các xã viên đang tập trung sản xuất thêm sản phẩm trà túi lọc. Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc HTX mong muốn: Trước đây, HTX chỉ sản xuất sản phẩm chè búp truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền, thiết bị đồng bộ với tổng trị giá trên 500 triệu đồng để sản xuất thêm sản phẩm chè túi lọc. Qua Festival trà lần này chúng tôi sẽ có thêm cơ hội quảng bá xúc tiến các sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.