Cập nhật: Thứ năm 24/09/2015 - 08:45
Để sản xuất chè theo hướng an toàn (VietGAP) thì riêng vùng chè Tân Cương mỗi năm tiêu thụ từ 8.000-10.000 tấn phân hữu cơ sinh học Nông lâm.
Để sản xuất chè theo hướng an toàn (VietGAP) thì riêng vùng chè Tân Cương mỗi năm tiêu thụ từ 8.000-10.000 tấn phân hữu cơ sinh học Nông lâm.

Ngày 20-9-2007, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Tân Cương” cho sản phẩm chè được trồng, chế biến và đóng gói tại 3 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu T.P Thái Nguyên với tổng diện tích gần 4900 ha. Đây là khẳng định đối với danh tiếng và chất lượng vùng chè Tân Cương, đồng thời là điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND tỉnh là cơ quan thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với CDĐL “Tân Cương” và trao quyền cho UBND T.P Thái Nguyên thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với CDĐL “Tân Cương”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động quản lý CDĐL “Tân Cương” trong giai đoạn 2007-2011 không đạt hiệu quả. Do vậy, ngày 26-7-2011, UBND tỉnh đã quyết định trao quyền quản lý Nhà nước này cho Sở KH&CN. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Sở KH&CN, đã tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành hệ thống tổ chức CDĐL “Tân Cương” gồm cơ quan quản lý Nhà nước về CDĐL “Tân Cương” là Sở KH&CN; cơ quan kiểm soát bên ngoài đối với CDĐL “Tân Cương” là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và cơ quan quản lý nội bộ đối với CDĐL “Tân Cương” là Hội phát triển CDĐL “Tân Cương” trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh. Hằng năm, Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao nhận thức và hướng dẫn việc đăng ký sử dụng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Tân Cương”. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng CDĐL “Tân Cương” của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè; hỗ trợ các đơn vị giới thiệu sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương” tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đến thời điểm hiện nay đã có 86 đơn vị được Sở KH&CN cấp quyền sử dụng CDĐL “Tân Cương” (2 công ty, 1 hợp tác xã và 83 cơ sở sản xuất chè)…

 

Tuy nhiên, trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng,Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết thêm: Mặc dù Sở KH&CN đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác quản lý, sử dụng CDĐL “Tân Cương” song còn bộc lộ một số tồn tại đó là: Hệ thống các văn bản về quản lý CDĐL “Tân Cương” chưa được xây dựng đầy đủ. Chưa xây dựng được các quy định về kỹ thuật sản xuất đối với sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương”, gây ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát quá trình sản xuất và lưu thông trên thị trường. Việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm mang CDĐL “Tân Cương” rất lộn xộn, không tuân thủ các quy định gây ra nhiều khó khăn trong quá trình kiểm soát và truy nguồn gốc sản phẩm. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho khác hàng khi muốn lựa chọn đúng sản phẩm mang thương hiệu CDĐL “Tân Cương”.  Điều này, vô hình chung đã tạo kẽ hở để tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Tân Cương” đang ngày càng gia tăng cả tính chất và quy mô.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội Chè Thái Nguyên thì bày tỏ lo ngại về việc diện tích chè trung du lá nhỏ (giống chè duy nhất được bảo hộ CDĐL “Tân Cương”) đang bị thu hẹp dần do chủ trương của tỉnh giảm dần diện tích chè trung du, tăng dần diện tích chè giống mới theo tinh thần Đề án “Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương-T.P Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”. Đúng như những khẳng định của bà Nguyễn Thị Ngà, theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Trưởng ban quản lý Dự án phát triển chè tỉnh thì: Trong những năm qua, việc trồng mới, trồng thay thế diện tích chè cằn cỗi số giống chè mới chiếm gần 60% diện tích. Hiện nay diện tích chè trung du của T.P Thái Nguyên thu hẹp lại chỉ còn 515 ha.

 

Để nâng cao năng lực quản lý và giá trị sử dụng của CDĐL “Tân Cương” trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ): Sở KH&CN cần hoàn thiện hệ thống các văn bản, đặc biệt là xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tốt gồm: Bảo đảm khả năng truy xuất của sản phẩm; tính xuất xứ địa lý và ranh giới địa lý; tính chất đặc thù sản phẩm được bảo đảm thông qua chất lượng; tính đặc thù thể hiện qua giống cây trồng; hương vị, hình dáng, kích cỡ, đặc thù sản phẩm và quy định cách thức ghi tem nhãn mang đặc tính chung. Còn theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Trưởng ban quản lý Dự án phát triển chè tỉnh giải pháp trọng điểm là phải tiếp tục chọn lọc cây chè trung du đầu dòng để trồng, bảo tồn. Trồng thay thế vườn chè trung du đã cằn cỗi bằng giống chè trung du chọn lọc ươm bằng cành và tích cực mở các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè an toàn tập trung. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại và quản lý thị trường đối với sản phẩm chè mang CDĐL “Tân Cương”. Bên cạnh đó tiếp tục tập trung chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất gắn với việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sâm phạm sở hữu trí tuệ đối với CDĐL “Tân Cương” trong phạm vi cả nước.

 

Hiện nay, các vùng chè trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc để có những sản phẩm chè ngon hướng tới Festival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3. Đây cũng là dịp để nhiều đối tượng trà trộn sản phẩm đóng gói mang thương hiệu vùng chè đặc sản Tân Cương. Hơn lúc nào hết cần đẩy mạnh công tác quảng bá, gắn với kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sâm phạm CDĐL “Tân Cương”. Có như vậy mới phát triển giá trị CDĐL “Tân Cương”, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường nhờ những đặc trưng và danh tiếng của sản phẩm, từ đó làm tăng giá trị sản xuất và thương mại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.


Tháng 6-2013, Sở KH&CN đã làm đơn đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ cho mở rộng khu vực mang CDĐL “Tân Cương” thêm 03 xã là: Quyết Thắng, Thịnh Đức và Phúc Hà do 3 địa phương này có điều kiện địa lý và chất lượng đặc thù của sản phẩm tương tự với 3 xã thuộc khu vực mang CDĐL “Tân Cương”. Dự kiến, quý IV năm nay Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ công nhận mở rộng khu vực mang CDĐL “Tân Cương” gồm 6 xã với tổng diện tích trên 8500 ha chè.

Thúy Hằng