Nhà máy chế biến chè của Công ty (ở phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) thường xuyên có 20-25 công nhân làm việc, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Để bảo đảm chế biến và xuất khẩu, Công ty đã đầu tư mua máy tách cuống, lọc màu trà trị giá vài tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chính của Công ty là các nước Trung Đông như Pakistan, Afghanistan... Ngoài thị trường Trung Đông, doanh nghiệp còn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hàng năm, đơn vị xuất sang các nước này khoảng 1.000 đến 1.500 tấn chè búp khô. Doanh thu từ xuất khẩu chè của Công ty năm 2014 đạt 2 triệu USD. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế của các nước nhập khẩu chè, tỷ giá đồng nội tệ mất giá, trong nước thì giá điện, xăng dầu cũng có những biến động nên trị giá xuất khẩu chè cũng có sự sụt giảm. Đến thời điểm này của năm 2015, doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu được trên 700 tấn.
Năm nay, tình hình thu mua chè của Công ty cũng kém hơn so với năm trước bởi do khủng hoảng kinh tế ở các nước nhập khẩu chè của Việt Nam, không riêng gì Thái Nguyên mà hoạt động này cũng bị đình trệ. Thời điểm này cũng là những tháng cuối của vụ thu hái chè trong năm nên người dân tích trữ để bán vào dịp Tết.
Trao đổi về những khó khăn trong vấn để xuất khẩu chè của Công ty TNHH Xuất khẩu Trung Nguyên nói riêng và của các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, Ông Phan Huy Bính, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty cho biết: Khó khăn nhất vẫn là chất lượng bởi chúng tôi và các đối tác lo ngại vấn đề tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên chè. Trên địa bàn tỉnh gần như không có doanh nghiệp có vùng nguyên liệu riêng, mà nếu có cũng không thể quản lý và chỉ đạo tất cả các khâu từ trồng trọt đến chế biến được. Châu Âu - đặc biệt là nước Nga, thị trường trọng điểm lớn đòi hỏi tiêu chuẩn cao mà các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.
Xin đơn cử một ví dụ: Chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, mới đây tỉnh cũng đã yêu cầu doanh nghiệp cung ứng sản phẩm chè an toàn bởi yêu cầu từ các nước Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) đòi hỏi sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGap. Song cho đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh mới chỉ có vài ba nghìn trên tổng số 20 nghìn hec-ta chè thực hiện quy trình VietGAP. Do vậy, sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ chiếm lượng nhỏ trong khi khách hàng yêu cầu ký hàng trăm tấn. Do không đủ nguồn sản phẩm cung ứng nên doanh nghiệp cũng không thể ký kết với các khách hàng tiềm năng này. Vì thế yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu chè đó là thu mua được sản phẩm chè được áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.