Ông Nguyễn Văn Thông, sinh năm 1939, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Phúc Chu kể lại: Thời điểm năm 1965-1966, khi đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, quân dân trong xã đã nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt từ thời bình sang thời chiến. Xã Phúc Chu khi đó bao gồm cả một phần địa giới hành chính của thị trấn Chợ Chu và xã Bảo Cường hiện nay. Xã có 4 hợp tác xã nông nghiêp lớn gồm: Làng Hoèn, Làng Mới, Độc Lập và Xuân Lạc. Ở mỗi hợp tác xã đều thành lập một đội dân quân du kích để làm nhiệm vụ phòng tránh và đánh địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ông Lường Văn Mộc, nguyên là Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã cho biết: Do yêu cầu tác chiến linh hoạt, những thành viên ưu tú nhất (có sức khỏe, kinh nghiệm và biết sử dụng súng) ở đội du kích của các hợp tác xã được lựa chọn để thành lập một đại đội du kích cơ động. Đây hầu hết là những người đã được huấn luyện hoặc từng tham gia chiến đấu, tuổi đời xấp xỉ 50 nên được gọi là đội “lão dân quân”. Đại đội gồm 120 người, được tổ chức chặt chẽ làm nhiệm vụ hướng dẫn người già, trẻ em sơ tán khi có máy bay địch, bảo vệ tài sản của hợp tác xã và làm “tai mắt” để đảm bảo bí mật, bảo vệ các cơ quan đóng trên địa bàn. Ngoài ra, các lão dân quân còn hăng hái lao động sản xuất để làm gương và tích cực động viên con cháu tham gia quân đội.
Theo ông Lường Văn Mộc, trong đại đội du kích cơ động lại lựa chọn ra một tổ trực chiến, có trang bị súng trung liên, súng trường và thường chốt trực tại đồi Lương Thực (nay thuộc thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa). Tổ này đã từng một vài lần tham gia bắn máy bay F115 của Mỹ.
Với những đóng góp tích cực của quân và dân, trong đó có đại đội lão dân quân du kích, xã Phúc Chu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu với kẻ thù. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Phúc Chu là địa phương duy nhất của huyện Định Hóa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ (năm 2005).