Hướng tới Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015: Góp phần đưa hương chè Thái bay xa
Cập nhật: Thứ tư 21/10/2015 - 08:38
Chị Nguyễn Thị Ngà (đứng ngoài cùng bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng chè với hội viên Hợp tác xã chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên).
Chị Nguyễn Thị Ngà (đứng ngoài cùng bên phải) trao đổi kinh nghiệm trồng chè với hội viên Hợp tác xã chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên).

Mặc dù đã ở tuổi 57 nhưng chị Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh vẫn luôn miệt mài với công việc. Nhờ có những người như chị đã góp phần đưa hương chè Thái Nguyên ngày càng bay xa.

Những ngày này, khi Festival Trà lần thứ 3 đang đến gần, chúng tôi có dịp cùng chị Ngà về vùng chè Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) để cảm nhận không khí chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của bà con nơi đây. Qua câu chuyện trên quãng đường khoảng 10km từ trung tâm Thành phố vào xã Phúc Xuân giúp tôi hiểu thêm phần nào về con người chị - một người phụ nữ dễ gần, thân thiện và luôn tâm huyết với nghề.

 

Ngược dòng thời gian, chị Ngà kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian trước khi chị đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Chè tỉnh. Chị bảo, trước kia chị học ở Trường Đại học Nông nghiệp III (nay là Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên). Năm 1984, chị ra trường, được phân công lên làm việc tại Nông trường Hữu Lũng (Lạng Sơn), phụ trách kỹ thuật trồng dứa xuất khẩu. Cuộc sống khó khăn, sinh hoạt thiếu thốn nhưng chị đã hoàn thành nhiều thí nghiệm trong sản xuất, từ cách thức bón phân đến mật độ cây trồng phù hợp, rồi biện pháp xử lý cho quả dứa chín nhanh hoặc chậm trên quả đồi “tăng sản” rộng 160ha, sản phẩm đạt kích cỡ tiêu chuẩn xuất khẩu. Sau khi các thí nghiệm thành công, chị chính thức được công nhận là kỹ sư và chuyển về Sở Nông nghiệp tỉnh Bắc Thái (cũ) công tác. Năm 2008, chị chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Trong thời gian này, chị đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế. Năm 2011, khi vẫn đang làm Chủ tịch Hội Nông dân, chị lại được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chè tỉnh.

 

Vốn là người yêu thích trồng trọt ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, chị say mê tìm hướng phát triển cho cây chè trên đất Thái Nguyên. Tuy nhiên, theo chị Ngà thì hiện nay, lĩnh vực xuất khẩu chè còn gặp nhiều nhiều khó khăn do đa số các doanh nghiệp chế biến chè chưa có vùng nguyên liệu nên chưa chủ động trong sản xuất, chế biến, chưa thiết lập được nguồn nguyên liệu ổn định, thường sản xuất đến đâu, thu mua đến đó. Vì vậy, những khi khan hiếm nguyên liệu thì khó đáp ứng đủ theo nhu cầu đặt hàng. Và một thực tế là các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu chè thô, đóng số lượng bao lớn xuất sang các thị trường Trung Đông, khách hàng chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, không lâu dài nên khi có biến động về kinh tế ở khu vực này là ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp không xâm nhập được hoặc xuất khẩu không đáng kể. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu chè ra nước ngoài nhưng vẫn gặp khó khăn về nguồn nhân lực, thương hiệu cũng như bao bì, mẫu mã sản phẩm. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước chưa thực sự gắn bó, nên chưa có sự hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, vốn kinh doanh...

 

Xác định chè là cây trồng mũi nhọn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong hội nhập, chị Ngà trên cương vị là Chủ tịch Hội Chè tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến, đưa ra nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè như: Xây dựng thương hiệu và hệ thống quản lý từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chè. Các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm chè đã được chị quan tâm. Bên cạnh nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ từ năm 2006, chị đã thực hiện thủ tục để Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chè của các vùng chè trên địa bàn tỉnh như “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh” , “Chè Phổ Yên” và Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chè của 3 xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên).  Đến nay, toàn tỉnh có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”,  7/9 huyện, thành, thị đã có tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

 

Theo chị, để thương hiệu chè Thái Nguyên thực sự vươn tới thị trường trong nước và quốc tế thì trước hết cần nâng cao nhận thức của người sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn. Do vậy, nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chế biến chè được chị giới thiệu tới bà con trong tỉnh. Đây là công việc khó bởi số người tham gia sản xuất chè nhiều, địa bàn rộng, cần có kế hoạch khuyến nông thật cụ thể, nên tập trung ở các vùng chè đặc sản và phải có biện pháp quản lý chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở để quản lý từ khâu quy hoạch vùng sản xuất, khâu sản xuất, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp (phân bón và thuốc trừ sâu) đến khâu canh tác, thu hái, bảo quản, chế biến chè đảm bảo theo VietGAP, UTZ. Không nên duy trì hình thức hộ nông dân tự sản xuất - chế biến - tiêu thụ mà phải có liên kết tạo sản lượng lớn gắn với nhu cầu của thị trường...

 

Chia sẻ về Festival Trà sắp tới, chị Ngà cho biết thêm: Đến thời điểm hiện tại, Hội Chè tỉnh đã có 15 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng của hội trà. Trước khi đăng ký, chúng tôi cũng nhắc nhở các cơ sở sản xuất, chế biến chè phải chuẩn bị sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có bao bì, nhãn mác, địa chỉ... góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái ngày càng bay cao, bay xa tới thị trường quốc tế.

Vi Vân