***************************************************
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Số: 2738/QĐ-UBND |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 14 tháng 10 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt kịch bản Lễ hội Văn hóa Trà
tại Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ ba, năm 2015
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên;
Căn cứ Thông báo số 1901-TB/TU ngày 05/8/2015 của Thường trực Tỉnh ủy về việc thông báo ý kiến kết luận việc tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ ba, năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ ba, năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phân bổ kinh phí tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ ba, năm 2015 (sau đây gọi tắt là: Festival Trà);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan Thường trực Festival Trà tại Tờ trình số 1482/TTr–SVHTTDL ngày 12/10/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kịch bản khung chương trình Lễ hội Văn hóa Trà tại Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, cụ thể:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
- Nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh cây chè, sản phẩm trà, văn hóa Trà và người sản xuất, chế biến chè Thái Nguyên - Việt Nam thông qua các hoạt động: tái hiện không gian văn hóa trà Việt; trình diễn, giao lưu, giới thiệu nét độc đáo của nghệ thuật pha trà, văn hóa thưởng trà đặc thù theo vùng miền; sắp đặt và tái hiện không gian nghệ thuật sao chè truyền thống, hiện đại; giao lưu thương mại và văn hóa trà quốc tế; giao lưu, khuyến khích, tìm kiếm nghệ nhân trà...
- Giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật trồng chè, hái chè, kỹ thuật sao chè giữa các Hợp tác xã, làng nghề sản xuất chè trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường thúc đẩy hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trà, các sản phẩm thương mại, ẩm thực chế biến từ trà của tỉnh Thái Nguyên và các thị trường trong nước và quốc tế.
- Giúp người dân và du khách hiểu hơn giá trị của cây chè, sản phẩm Trà và văn hóa thưởng Trà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp và du lịch; giáo dục ý thức bảo tồn và phát triển giá trị vật thể và phi vật thể của Trà Thái Nguyên.
II. NỘI DUNG
1. Chủ đề: Lễ hội Văn hóa Trà “Muôn sắc Trà Việt”
2. Thời gian: Từ ngày 25/11 đến ngày 28/11/2015. Khai mạc: 19h30 ngày 25/11/2015.
3. Địa điểm: Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Không gian Văn hóa Chè Tân Cương, vùng chè Tân Cương, Sở Nông nghiệp và PT Nông thôn.
4. Đơn vị chỉ đạo thực hiện: UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Chè Việt Nam.
5. Đơn vị chủ trì tổ chức: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Đơn vị phối hợp tổ chức: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Hội Nông dân tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Hiệp hội chè Thái Nguyên, Công ty Cổ phần sự kiện và truyền thông Việt 21.
7. Thành phần tham gia: Các Hợp tác xã, làng nghề chè truyền thống; các Doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trong và ngoài tỉnh; 09 Đoàn trà quốc tế.
8. Các hoạt động tại Lễ hội
8.1. Khai mạc lễ hội Văn hóa Trà
- Thời gian: 19h30’ ngày 25/11/2015. Thời lượng: 90 phút.
- Địa điểm: Sân khấu Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Nội dung:
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
+ Phát biểu khai mạc của Ban Tổ chức Lễ hội.
+ Chương trình nghệ thuật chủ đề “Muôn sắc Trà Việt”.
+ Trao chứng nhận kỷ lục “Bản đồ Việt Nam ghép từ lá và hoa trà có kích thước lớn nhất”.
8.2. Tổ chức trưng bày, quảng bá, bán các sản phẩm trà của các đoàn trà trong nước, quốc tế
- Đối tượng tham gia: Các đoàn trà quốc tế; các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trồng, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trà trong nước.
- Thời gian mở cửa trưng bày: Từ ngày 26/11/2015 đến hết ngày 28/11/2015.
- Địa điểm: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
8.3. Tổ chức các không gian văn hóa Trà Việt
- Sử dụng những không gian văn hóa của người dân tộc tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam để tổ chức các hoạt động văn hóa, trưng bày phù hợp:
+ Không gian núi cao - nhà Mông: Diễn xướng múa khèn, múa cầu mùa, cầu tự; giới thiệu các sản phẩm trà tiêu biểu: Trà San tuyết, Suối giàng.
+ Không gian thung lũng - nhà Tày, Nùng: Diễn xướng múa tắc xình, múa sạp, múa xòe, múa chọc lỗ; hát then, đàn tính; giới thiệu các sản phẩm trà Tân Cương.
+ Không gian đồng bằng - nhà Kinh: Diễn xướng dân ca quan họ, hát chèo; giới thiệu các sản phẩm trà: trà sen Tây Hồ, trà cung đình Huế.
+ Không gian văn hóa cồng chiêng - Tây Nguyên: Diễn xướng sử thi Tây Nguyên; giới thiệu danh trà cao nguyên: Trà Lâm Đồng.
8.4. Tổ chức các cuộc thi
8.4.1. Cuộc thi Bàn tay Vàng
- Thời gian: Từ ngày 26/11 đến ngày 27/11/2015 (khai mạc: 8h00 ngày 26/11/2015).
- Địa điểm:
+ Thi hái chè: Vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
+ Thi sao chè: Không gian Văn hóa Chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên.
- Đối tượng dự thi: Hội Nông dân 09 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Thái Nguyên.
- Đơn vị chủ trì: Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên
8.4.2. Cuộc thi Búp Chè Vàng
- Thời gian: Từ ngày 26/11 đến ngày 28/11/2015 (khai mạc: 9h00 ngày 26/11/2015).
- Địa điểm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Đối tượng dự thi: Các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề chè; trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trong và ngoài tỉnh.
- Sản phẩm dự thi: Chè xanh và chè đen thành phẩm.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
(Kế hoạch tổ chức 02 cuộc thi: Bàn tay vàng, Búp Chè Vàng được phê duyệt chi tiết)
8.4.3. Cuộc thi “Trình diễn nghệ thuật pha trà, mời trà”
- Thời gian: Ngày 27/11/2015 (khai mạc: 8h00).
- Địa điểm: Sân khấu Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
- Đối tượng dự thi: Các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề chè; trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh chè trong và ngoài tỉnh.
- Nội dung dự thi: Trình diễn nghệ thuật pha trà, mời trà
- Số lượng người dự thi: Tối đa 03 người/01 đoàn.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng kế hoạch với lịch thi cụ thể, phù hợp với các hoạt động khác của Lễ hội; xây dựng tiêu chí, thể lệ cuộc thi và cách thức tổ chức.
8.4.4. Tea masters cup
- Thời gian: Ngày 26/11 đến ngày 28/11/2015 (khai mạc: 8h00 ngày 26/11/2015).
- Địa điểm: Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
- Đối tượng dự thi: Các nghệ nhân trà trong nước.
- Đơn vị chủ trì thực hiện: Hiệp hội Chè Việt Nam (chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức Cuộc thi).
- Thời gian: Ngày 26/11/2015 (khai mạc: 8h00).
- Địa điểm: Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam.
- Đối tượng dự thi:
+ Các nghệ nhân trà trong nước.
+ Tỉnh Thái Nguyên: Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn ít nhất 05 nghệ nhân tham gia; chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn, tập huấn kiến thức và kỹ năng cần thiết, tập luyện chuẩn bị tham gia Cuộc thi)
* Một số yêu cầu chung đối với các cuộc thi:
- BTC thành lập Hội đồng giám khảo, thư ký chấm 04 nội dung thi.
- Yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì tổ chức cuộc thi xây dựng thể lệ, tiêu chí chấm thi, cơ cấu giải thưởng… gửi cho các đơn vị tham gia dự thi.
* Cơ cấu giải thưởng, mức thưởng:
Cơ cấu giải thưởng:
- Cuộc thi Bàn tay Vàng: 02 giải Nhất. 04 giải Nhì. 06 giải Ba. 12 giải Khuyến khích.
- Cuộc thi Búp Chè Vàng: 10 giải Nhất. 10 giải Nhì. 10 giải Ba.
- Cuộc thi trình diễn nghệ thuật pha trà, mời trà: 10 giải Nhất, 10 giải Nhì, 05 giải Khuyến khích.
Mức thưởng:
- Giải Nhất: Trị giá mỗi giải 3.000.000 đồng + Cúp lưu niệm.
- Giải Nhì: Trị giá mỗi giải 2.000.000 đồng + Cúp lưu niệm.
- Giải Ba: Trị giá mỗi giải 1.000.000đ đồng + Cúp lưu niệm.
- Giải khuyến khích: Trị giá mỗi giải 500.000đồng.
Lưu ý: Giấy Chứng nhận, Cúp lưu niệm và giải thưởng các Cuộc thi được Ban Tổ chức trao tặng tại Lễ Bế mạc Festival Trà (20h00 ngày 28/11/2015).
8.5. Tổ chức không gian triển lãm, thương mại
- Trưng bày các sản phẩm trà đặc sản của các vùng miền và các quốc gia trên thế giới.
- Giới thiệu các món ăn, đồ uống được chế biến từ trà; trình diễn chế biến cocktail và các loại đồ uống từ trà xanh.
- Trưng bày các giới thiệu sản phẩm được chế biến từ chè: Bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng
8.6. Đêm gala “Trà Việt - Khơi nguồn cảm xúc”
- Thời gian: 19h30’ ngày 27/11/2015. Thời lượng: 90 phút.
- Địa điểm: Sân khấu Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
- Nội dung:
+ Chương trình nghệ thuật.
+ Giao lưu với nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng.
8.7. Công tác tuyên truyền Lễ hội Văn hóa Trà
- Đơn vị tổ chức Lễ hội làm việc trực tiếp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh:
+ Ghi hình đưa tin tổng hợp về các hoạt động tại Festival Trà;
+ Truyền hình trực tiếp chương trình khai mạc Lễ hội Văn hóa Trà với chủ đề “Muôn sắc Trà Việt”.
- Trên các Đài Phát thanh – Truyền hình khu vực và Đài truyền hình Việt Nam: Đưa tin các hoạt động tại Lễ hội Văn hóa Trà. (BTC Lễ hội xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể).
III. KINH PHÍ
- Nguồn ngân sách địa phương: Trích từ nguồn kinh phí tổ chức Festival Trà (theo Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phân bổ kinh phí tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ 3, năm 2015).
- Nguồn kinh phí xã hội hóa.
Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, địa phương và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo tiến độ với Trưởng Ban Tổ chức Festival Trà.
Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung cần điều chỉnh, bổ sung thì các đơn vị, cá nhân phải kịp thời báo cáo Ban Tổ chức Festival Trà xem xét, quyết định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính; Chủ tịch Hội Nông dân; Giám đốc các Sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Ma Thị Nguyệt |