Giải thích tên gọi đình Trại Vải, ông Bàng Bắc Hải, 87 tuổi, nguyên là Trưởng phòng Văn hóa – Văn nghệ (Ty Văn hóa Bắc Thái cũ) cho biết: Cộng đồng dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu (trước đây còn gọi là người Trại). Vào vụ nông nhàn, phụ nữ trong vùng thường có thói quen nhuộm vải để bán, vải nhuộm xong thường phơi khô trên các thửa ruộng trước nhà. Người nơi khác đến thấy vậy nên gọi là vùng Trại Vải, tên xóm và đình làng cũng từ đó mà hình thành.
Ông Hải kể: Lịch sử của làng ghi lại rằng, năm Tân Mùi (1751), có một người thanh niên trẻ dân tộc Sán Dìu, đã tập hợp 9 gia đình khác (thuộc 6 dòng họ khác nhau là: Ân, Từ, Diệp, Trương, Bàng, Lục) về đây khai phá và lập làng. Khi ấy, khu vực này còn rất hoang vu và rập rạm. Khu dân cư nằm ngay bờ sông Cầu thường xảy ra lũ lụt, nên người người dân sớm tính đến việc lập đình để thờ cúng Cao Sơn Quý Minh (Dương Tự Minh) và thành hoàng làng để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sản xuất và cuộc sống được thuận lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Trại Vải thường xuyên là địa điểm tập luyện của dân quân du kích, nhiều cán bộ cách mạng địa phương thường lui tới đây. Ông Bàng Quang Phong, Tổ trưởng tổ dân phố 17 cho biết: Với địa thế kín đáo, lại tiện việc đi lại nên lực lượng du kích địa phương thường dùng khuôn viên của đình để tập luyện, chuẩn bị các kế hoạch tác chiến. Tôi cũng là một thành viên trong đội du kích ấy. Nhiều cán bộ cách mạng như các ông Hải Nam, Quảng Hiền… cũng lui tới hội hộp, bàn việc kháng chiến.
Năm 1960, khu vực dân cư xóm Trại Vải thành lập HTX nông nghiệp Quyết Tiến, tên xóm và đình làng cũng dần được gọi là Quyết Tiến từ đó. Hiện nay, đình Trại Vải đã được kiểm kê trong danh mục các di tích lịch sử - văn hóa cần được gìn giữ. Điều đặc biệt, trong đình còn có ban thờ 8 Anh hùng liệt sĩ của tổ dân phố trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.