Cập nhật: Thứ tư 11/11/2015 - 09:24
Ông Phạm Văn Dung, ở xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh (Phú Lương) chăm sóc diện tích chè cành của gia đình.
Ông Phạm Văn Dung, ở xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh (Phú Lương) chăm sóc diện tích chè cành của gia đình.

Chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông Phạm Văn Dung, xóm Minh Hợp, xã Tức Tranh (Phú Lương) không khó bởi trong xóm không ai không biết đến ông. Ở đây, ông là người làm chè ngon có“tiếng”, đồng thời cũng là người đầu tiên trồng và đưa giống chè cành đến với người dân trên địa bàn xã.

Chúng tôi gặp ông Dung khi ông đang cắm giàn chuẩn bị che bạt cho lứa chè cành sắp được hái. Sao phải che lại như này hả ông? Chúng tôi hỏi. Ông dừng tay và bảo: Trước ngày thu hái chè, nếu được che sẽ tránh được sương muối, búp sẽ mềm hơn. Hơn nữa chè được che đậy cẩn thận sẽ hạn chế sự phát triển của một số loại sâu bênh, đặc biệt là bọ rầy, tránh được bụi bẩn bám vào búp chè, khi sao chè sẽ sạch và ngon hơn nhiều. Mời chúng tôi vào nhà, vừa rót trà ông Dung vừa nói: Các cô thử uống xem trà ở đây như nào? Hương trà thơm ngậy tỏa khắp căn phòng, nhấp chén trà, chúng tôi cảm thấy vị chát chát trong miệng và ngọt dần nơi cuống họng. Ông Dung cho biết: Đây là giống chè cành TRI777. Giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, nhất là các bệnh rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ,… và chịu hạn rất tốt. Giống TRI77 cho năng suất cao, bình quân đạt gần 8 tấn/ha/năm, đặc biệt sản phẩm có hương thơm, vị đậm, nước xanh và trong. Vì thế mà nhiều người dân ở xóm, xã đã chuyển đổi từ chè trung du sang trồng giống chè này.

 

Ông Dung sinh năm 1945, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau khi lập gia đình, năm 1975 ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Luyến, lên vùng đất Tức Tranh (Phú Lương) khai hoang, lập nghiệp. Biết cây chè có giá trị kinh tế nên với diện tích hơn 1ha diện tích đất của gia đình, vợ chồng ông đã cải tạo để trồng chè (lúc đó là chè trung du). Đến năm 1986, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên có chương trình giới thiệu giống chè mới (giống chè cành: TRI777, Phúc Vân Tiên…) đến với người dân trong xã Tức Tranh, tuy nhiên, lúc đó không ai dám trồng thử vì giá giống cao và lo không năng suất. Ông Dung cho biết: Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là loại giống được các nhà chuyên môn giới thiệu chắc sẽ hiệu quả nên đã “liều” đầu tư tiền để mua giống về trồng 2 sào chè cành. Sau hơn 2 năm chè đã cho thu hoạch. Lứa đầu tiên gia đình tôi thu hái được 3kg chè búp khô, đem ra chợ bán thì khách hàng thích vì chất ngon, cánh nhỏ đều và pha nước rất xanh. Từ đó đến nay, mỗi khi thu hái chè cành khách hàng đều đến tận nhà để thu mua.

 

Khởi đầu từ trồng 2 sào chè cành, đến nay, ông Dung đã chuyển được gần 6.000m2 sang trồng chè cành, chủ yếu là giống TRI777 và Kim Tuyên. Bình quân mỗi năm, riêng diện tích chè cành gia đình ông đã thu hoạch được hơn 2 tấn chè búp khô, với giá trung bình 250 nghìn đồng/kg cho thu trên 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Dung cho biết: Năng suất và chất lượng chè cành không chỉ do giống mà còn phụ thuộc vào cách trồng, chăm sóc và chế biến. So với chăm sóc chè hạt thì chè cành đòi hỏi dày công hơn, đơn cử từ việc cuốc hố chè, trồng chè cành phải bổ hố sâu khoảng 20-25cm, còn chè hạt chỉ cần 10cm…

 

Cùng với việc chuyển đổi dần diện tích chè trung du sang trồng chè cành, gia đình ông Dung còn dành 500m2 để làm vườn ươm chè giống, một phần là để chủ động cây giống khỏe phục vụ cho việc trồng mới, trồng lại chè của gia đình, phần nữa là để bán. Bình quân, từ việc bán hom chè giống ông Dung cũng thu về gần 100 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Thức, Trưởng xóm Minh Hợp cho biết: Thấy hiệu quả của việc trồng chè cành của gia đình ông Dung, những năm gần đây nhiều hộ dân trong xóm, xã cũng đã tích cực phá bỏ diện tích chè hạt chuyển sang trồng chè cành. Ở xóm hiện có 80ha chè thì trên 20ha là chè cành cho năng suất, giá trị kinh tế (tăng 15ha so với năm 2010). Nếu như trước kia giá chè hạt chỉ được 60 nghìn -70 nghìn đồng/kg thì nay tăng lên 230 nghìn -250 nghìn đồng/kg. Nhờ đó đời sống của người dân ở xóm nay cũng cải thiện đáng kể, minh chứng rõ nhất là số hộ nghèo, cận nghèo của xóm nay chỉ còn 6 hộ, giảm 12 hộ so với năm 2010 (năm 2010 là 18 hộ nghèo, cận nghèo); tỷ lệ hộ khá giàu chiếm trên 70% toàn xóm.

 

Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Chè được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trong xã, vì vậy việc đưa những giống chè có năng suất, chất lượng cao như: Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI777… thay cho những diện tích chè hạt kém năng suất đóng vai trò quan trọng. Ông Dung không chỉ được mệnh danh là “người tiên phong” trong việc đưa giống chè cành về địa phương mà còn là nghệ nhân làm chè ở xóm Minh Hợp, người đi đầu trong việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, sản xuất và chế biến chè ở Tức Tranh. Để phục vụ cho việc làm chè của gia đình, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các trang thiết bị máy móc như: Máy hút chân không, máy sấy chè, hệ thống van tưới xoay tự động, máy dập chữ, tôn innox, máy vò innox… Và mới đây, gia đình ông Dung cũng là hộ có diện tích chè lớn nhất của xóm được công nhận sản xuất thành công theo quy trình VietGAP với diện tích 8.000m2.

Kim Oanh