Ông Nguyễn Xuân Mão, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết: Cây chè bén rễ trên đất Tân Khánh đến nay được gần 60 năm, tuy nhiên mới chỉ phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện, xã có khoảng 70ha giống chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tuyên... tập trung nhiều ở các xóm Na Ri, Cả và Kê. Cùng với việc chăn nuôi gà đồi, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn nên chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hái, chế biến chè nhằm giảm bớt nhân công, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chè của địa phương. Đến nay, toàn xã có khoảng 3 máy thu hái chè, trên 200 máy sao và vò chè, máy đốn chè... Hầu hết, sản phẩm chè làm ra bà con không phải đem ra chợ bán mà các thương lái chủ động liên hệ đến thu mua tại nhà, với giá bán dao động từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ trồng chè.
Dẫn chúng tôi đi thăm những vạt chè xanh mướt, chị Lý Thị Mai, xóm Na Ri, một trong những hộ dân trồng chè lâu năm trong xã chia sẻ: Trước kia, với hơn 3.000m2 chè, hằng năm gia đình tôi phải mất rất nhiều công lao động để đốn tỉa, cải tạo và chăm sóc cây chè. Cùng với đó việc thu hái và chế biến chè còn mang tính chất thủ công, chè hái về không kịp chế biến ngay thường bị ôi nên hiệu quả không cao. Năm 2007, gia đình chị đầu tư gần chục triệu đồng để mua một bộ máy sao chè, vò chè phục vụ cho việc sản xuất của gia đình. Từ khi có máy, chè hái về đến đâu được chế biến đến đó, một mình chị cũng có thể vận hành cùng một lúc cả máy sao và máy vò, vì thế chất lượng chè được đảm bảo, giá bán ra cao hơn từ 30 - 40 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, do tận dụng được nguồn phân chuồng từ chăn nuôi gà nên tiết kiệm được một phần chi phí đầu tư.
Với diện tích 7ha chè, trước đây việc thu hái, chế biến chè thủ công của hơn 40 hộ dân ở xóm Cả không những tốn rất nhiều thời gian, công lao động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm. Điều này đòi hỏi người làm chè phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước đưa máy móc vào sản xuất, thay thế lao động thủ công. Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng xóm Cả cho biết: Ứng dụng công nghệ sao sấy chè bằng máy giảm được khoảng 30% sức lao động, chất lượng chè tăng lên do chè được sao bằng máy sẽ xoăn và ngon hơn so với cách làm chè truyền thống. Đối với máy đốn chè, nếu làm thủ công, một người trong một ngày chỉ đốn được khoảng hơn nửa sào, trong khi đó, máy cơ giới nhỏ đốn chè sẽ đốn được khoảng 1 mẫu; phun thuốc bằng máy động cơ, thuốc phun ra mạnh, dễ dàng đến được các vị trí trên cây chè, hiệu quả rõ rệt so với máy phun thuốc sâu thông thường. Đặc biệt, chè được đốn, cải tạo và thu hái bằng máy có ưu điểm rút ngắn khoảng thời gian giữa các lứa chè từ 5-7 ngày, giúp bà con thu hoạch kịp thời nên chè không bị già, quá lứa làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thu hái và chế biến chè trên địa bàn xã Tân Khánh thời gian qua đã thực sự mang lại hiệu quả cao. Sự chủ động của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật là tín hiệu đáng mừng trong việc nâng cao sản lượng chè trên địa bàn xã nói riêng và trên toàn huyện nói chung. Mới đây, 3 xóm Na Ri, Cả và Kê được công nhận làng nghề chè truyền thống góp phần đưa thương hiệu chè Tân Khánh đến với người tiêu dùng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ trong trồng, chăm sóc và chế biến chè mà áp dụng trên nhiều lĩnh vực sản xuất khác, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân địa phương, nâng cao năng suất chất lượng cây trồng và mở ra hướng phát triển mới, tăng thu nhập cho người nông dân...