Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lý Thị Xuân, xóm Phúc Lẩm, xã Tiên Hội (Đại Từ) khi gia đình bà đang thu hái chè. Năm 2010, sau khi vay được hơn 50 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ, gia đình bà Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào chè trung du già cỗi sang giống chè Bát Tiên. Lợi nhuận thu được từ diện tích chè Bát Tiên cao hơn nhiều so với chè trung du khiến gia đình bà rất phấn khởi. Bà Xuân cho biết: Gia đình tôi nhiều lần muốn chuyển đổi giống chè nhưng thiếu vốn nên không thể thực hiện. Được sự tư vấn của tổ vay vốn và cán bộ Ngân hàng, năm 2010, gia đình tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng chuyển 5 sào chè giống Bát Tiên. Giống chè này búp, lá dày, năng suất đạt 20-25kg chè búp khô/sào/lứa, cao gấp 1,5 lần chè trung du; giá bán cũng được từ 280 đến 300 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi năm, từ 5 sào chè Bát Tiên, gia đình tôi thu được trên 200 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích từ nguồn vốn vay nên hiện nay, gia đình tôi đã vay Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ thêm 100 triệu đồng để từng bước chuyển đổi 0,6ha chè trung du còn lại sang các giống chè lai khác.
Không chỉ có gia đình bà Xuân, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Đại Từ đã chuyển đổi được diện tích chè giống cũ, đầu tư máy móc chế biến chè hiệu quả từ nguồn vốn vay từ Agribank. Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ đã cho trên 4.000 hộ dân vay vốn với mục đích trồng mới, chăm sóc, chế biến chè kết hợp phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổng số tiền cho vay là hơn 200 tỷ đồng, chiếm 31% tổng dư nợ của Ngân hàng. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 7-2015, Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ cũng cho vay 270 món với số tiền 89 tỷ đồng cho các Công ty, cơ sở kinh doanh chè trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ cho biết: Xác định hỗ trợ phát triển ngành chè là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, phòng, ban chuyên môn của huyện tập trung triển khai kế hoạch phát triển cây chè của địa phương, kịp thời thực hiện các đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè. Để nâng cao hiệu quả đầu tư vào ngành chè, đơn vị cũng đã chỉ đạo cán bộ bám sát địa bàn, phát huy vai trò của các tổ vay vốn, cải cách thủ tục vay vốn bằng hình thức vay hạn mức.
Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ cũng quan tâm triển khai hiệu quả hoạt động của các tổ vay vốn. Theo đó, tổ vay vốn và Ngân hàng nơi cho vay ký kết hợp đồng dịch vụ tín dụng để triển khai hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Tổ vay vốn tiếp nhận nhu cầu vay vốn, hướng dẫn tổ viên lập hồ sơ vay vốn, giám sát, đôn đốc thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn, Ngân hàng chi trả hoa hồng cho tổ vay vốn, trích chuyển hoa hồng cho các cấp hội theo quy định trên cơ sở mức độ hoàn thành công việc của tổ. Đối với việc phát triển ngành chè, tổ vay vốn sẽ sớm nhận định được nhu cầu của bà con để kịp thời kết nối với nguồn vốn vay của Ngân hàng.
Hiện nay, Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ đang mở rộng hoạt động cho vay theo hạn mức. Đây là hình thức cấp tín dụng mà theo đó, khách hàng chỉ việc làm 1 bộ hồ sơ để vay trong 1 kì nhất định với mức tín dụng mà khách hàng và Ngân hàng đã thoả thuận. Tín dụng theo hạn mức là hình thức vay tiên tiến, có nhiều ưu điểm, lợi ích cho doanh nghiệp như chủ động vốn, thủ tục đơn giản... Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ cho biết: Hình thức cho vay hạn mức rất phù hợp với các hộ dân trồng chè và các công ty, cơ sở chế biến kinh doanh chè. Hình thức này giúp tiết kiệm vốn tối đa cho người vay vì khi khách hàng muốn mua vật tư, phân bón, chè nguyên liệu, hàng hoá thì vay vốn, bán chè là có thể trả ngay cho ngân hàng, khi nào người dân có nhu cầu lại tiếp tục vay. Thời gian tới, Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng này để phục vụ khách hàng hiệu quả.