Chén trà vơi lại đầy, tựa nước dòng sông Cầu, sông Công bươn bả tìm về biển lớn. Mỗi Festival Trà đi qua, là thêm một lần sản phẩm chè Thái Nguyên nâng cao hơn tầm thương hiệu, khẳng định được vị trí, chỗ đứng của sản phẩm chè trên thương trường trong nước và thế giới. Dù Festival Trà được tổ chức hoành tráng ở quy mô quốc tế, hoặc gọn nhẹ, khiêm tốn ở quy mô quốc gia, hay bình dị như những lễ hội chè hằng năm được tổ chức vào dịp đầu xuân ở vùng chè La Bằng (Đại Từ); Tân Cương (T.P Thái Nguyên), cũng luôn tạo được sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và người nước ngoài, đồng thời đây cũng dịp để người xứ trà Thái Nguyên thể hiện với bè bạn về lòng mến khách, nhân đó giới thiệu với bạn bè về ẩm thực trà, một nét đẹp văn hoá truyền thống và hiện đại. Nét đẹp văn hoá ấy được ươm trồng, thu hái, chế biến và gom lại trong ấm trà. Một loại trà được người nông dân trồng trên lưng chừng ngọn đồi mang hình bát úp, được tưới tắm bằng nước của những dòng sông huyền thoại, bằng câu lượn, câu sli vấn vít với giọt đàn tính, gợi nhớ đến câu chuyện tình thuỷ chung của nàng Công, chàng Cốc. Những tinh tuý đất trời của vùng đất nửa đồng, nửa núi, và bao khúc du ca qua bàn tay người trồng chè nhào luyện, hội tụ thành thứ hương, vị đặc biệt hiến tặng cho con người.
Hội Trà đã tan mà vị đằm ngọt còn đọng ở nơi môi, hương trà còn thoảng thơm níu lòng du khách. Bao ánh mắt ngập ngừng, bước chân líu ríu cùng những đôi bàn tay nắm chặt. Người ở, người về nuối nhớ một hội trà độc đáo được mở từ lòng người Thái Nguyên. Để lòng nhớ những sớm mai thưởng trà, vịnh thơ, bình tranh, nghe tiếng sáo trúc véo von từ đâu đó thoảng về không gian văn hoá trà. Lại thấy một háo hức, cảm nhận như cầm nắm được trên tay từng nụ cười giòn tan, ánh mắt tươi trẻ của sơn nữ vùng chè. Bởi từ những làng chè bình dị, những sơn nữ hằng ngày quen việc lên nương hái chè, vần vò đôi bàn tay trong chảo gang chợt hoá thân thành những thiên thần tham gia hội trà: Thi người đẹp; thi hái chè; trổ tài qua nghệ thuật pha, mời trà; thi búp chè Vàng, thi đấu trà và thi đôi bàn tay Vàng. Nhiều khi còn tham gia hội bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, múa võ cổ truyền chẳng khác cánh mày râu.
Từng cuộc thi ở Festival Trà đã mang đến cho du khách một sự thưởng nghiệm ấn tượng, gợi trí liên tưởng trong mỗi người về một xứ trà đi ra từ huyền thoại. Rồi cùng năm tháng, bao thế hệ người dân vùng chè đúc kết nên kinh nghiệm, bí quyết làm ra sản phẩm chè ngon nức tiếng, khiến bao đồ trà phiêu diêu hồn vía, nhung nhớ một chén trà được sao xấy, pha, mời từ đôi bàn tay sơn nữ Thái Nguyên. Nhiều du khách khi ẩm trà, thưởng nguyệt, thảng thốt bảo: Trong chén trà, người Thái Nguyên đã khéo léo “bỏ” vào đó một nụ cười, một đức tin nho nhỏ giống như thứ bùa mê. Nhưng đâu phải thế, trong mỗi chén trà là cả một nét đẹp văn hoá tinh hoa được dồn tụ lại từ bao đời. Thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, làm sản phẩm của xứ trà Thái Nguyên vừa mang nét đẹp văn hoá vật thể và phi vật thể. Cũng bởi sự cuốn hút lạ lẫm của chén trà, mà trong thời gian tham gia Festival, nhiều du khách chẳng đừng, tìm về các vùng chè có phong cảnh đẹp mê hồn ở Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); Minh Lập, Sông Cầu (Đồng Hỷ) hoặc ngược đường lên vùng chè của ATK Định Hoá, thăm khu nhà sàn của đồng bào người Tày thôn Bản Quyên, xã Điềm Mặc; thăm Nhà tưởng niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở đỉnh đèo De, xã Phú Đình… Thú nhất với du khách là được đến các làng nghề chè để thăm thú, vãn cảnh đồi chè, trải nghiệm cùng người dân bằng cách tham gia các hoạt động trồng chè, chăm sóc chè, chế biến chè và thực hành nghệ thuật pha mời trà, thưởng trà và mua chè Thái Nguyên làm quà biếu người thân.
Qua Festival Trà, sản phẩm trà của người Thái Nguyên có thêm nhiều người tiêu dùng trong nước và các nước trên thế giới biết đến. Cũng từ Festival, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được gặp gỡ, hò hẹn và có rất nhiều hợp đồng kinh tế giữa các bên được ký kết. Nhiều doanh nghiệp sau Festival Trà đã đến các vùng chè để khảo sát, cam kết đầu tư cho nông dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn ViệtGAP, đầu tư cây giống, phân bón, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè.
Từ chén trà ở Festival, nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà nông tìm được nhau để liên kết làm ăn, trên nguyên tắc các bên cùng có lợi. Cũng từ những hợp đồng kinh tế, chè Thái Nguyên được “chắp cánh bay xa”. Chè đi đến mọi miền Tổ quốc, qua đường không, đường biển, chè Thái Nguyên đến với người tiêu dùng ở bốn biển năm châu. Và sau mỗi Festival Trà, người Thái Nguyên có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, chế biến, làm ra nhiều loại sản phảm chè ngon khác nhau để phục vụ người tiêu dùng. Liên quan tới phát triển cây chè, người dân ở các làng nghề chè truyền thống có thêm bài học kinh nghiệm khi tham gia làm du lịch, như: Cách đón tiếp, hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm, lên thực đơn và phục vụ du khách ăn, uống, ngủ, nghỉ trong thời gian tham quan.
Thêm một Festival hoành tráng, ấn tượng và đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển của đất và người xứ Trà. Festival khẳng định được thương hiệu Thái Nguyên là vùng đất đệ nhất danh trà của Việt Nam. Trong thời gian Festival Trà diễn ra, tuy còn đó chút gập gợi không mong muốn, nhưng cái được lớn hơn là đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách về một xứ trà giàu bản sắc văn hoá truyền thống, trữ tình, thân thiện và hiếu khách.