Cập nhật: Thứ tư 06/07/2016 - 10:04
Anh Nguyễn Hữu Cường hiện đang là chủ cơ sở sản xuất hàng mã với nguồn thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Hữu Cường hiện đang là chủ cơ sở sản xuất hàng mã với nguồn thu nhập ổn định.

Bị kết án 15 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy”, những ngày sống trong trại giam, anh Nguyễn Hữu Cường, ở xóm Tân Sơn, xã Đào Xá (Phú Bình) đã xác định phải làm lại cuộc đời. Với quyết tâm và nghị lực, anh Cường đã tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn.

Xuất ngũ trở về địa phương sau 4 năm phục vụ trong quân đội (năm 1985), cuộc sống vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Cường càng thêm khó khăn khi người con trai thứ 2 bị mắc bệnh ung thư máu. Tiền bạc làm được bao nhiêu đều phải dồn hết vào chữa bệnh cho con. Lúc đó, người dân ở xã Đào Xá đang rầm rộ đi đào vàng thuê ở các tỉnh, anh Cường cũng khăn gói theo những người trong làng tìm đến bãi vàng. Năm 1989 đến 1995, anh Cường đã đi khắp các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình… và mắc nghiện từ đó. Anh Cường bảo: Những bãi vàng thường là những nơi thâm sơn cùng cốc, đêm buồn và mệt mỏi, để giải sầu mọi người hay rủ nhau mua thuốc phiện về hút. Ngày ấy, thuốc phiện ở bãi vàng dễ kiếm như mớ rau ngoài chợ và thế là tôi dính vào thuốc phiện như một sự tất yếu của dân đào vàng lúc bấy giờ.

 

Năm 1995, anh Cường về quê xây một ngôi nhà nhỏ từ số vàng kiếm được và ở hẳn lại nhà. Sống với vợ con nhưng anh vẫn không thể rời xa ma túy. Để thỏa mãn những cơn thèm thuốc của mình, anh mua ma túy về bán lẻ và tổ chức cho các con nghiện trong vùng đến hút tại nhà mình. Một ngày tháng 3 năm 1998, khi Cường đang sử dụng ma túy cùng với một đối tượng nữa tại nhà thì  bị công an bắt giữ và sau đó bị tòa tuyên phạt 15 năm tù giam. Những ngày sống trong trại giam, anh Cường có nhiều thời gian để sám hối về những lỗi lầm của mình. Vì thế anh Cường hạ quyết tâm phải cai nghiện cho bằng được và cải tạo thật tốt để sớm được trở về với vợ con.

 

Do cải tạo tốt nên anh Cường được đặc xá ra tù trước thời hạn 2 năm. Ngày trở về với xã hội, anh Cường không còn nghiện ma túy nhưng luôn mang tâm lý mặc cảm, sợ sẽ bị dân làng xa lánh, kỳ thị, tuy nhiên những lo lắng ấy đã không xảy ra. Anh được người thân, bạn bè đến tận nhà động viên, chính quyền xã tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Với số vốn 20 triệu đồng được vay, anh Cường bàn với vợ đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt. Từ mô hình nhỏ ban đầu với khoảng chục con lợn thịt mỗi lứa, anh đã tích trữ vốn để mở rộng quy mô chuồng trại, Những thời điểm chăn nuôi nhiều, trong chuồng của gia đình nuôi đến 4 con lợn nái, 30 con lợn thịt và hàng nghìn con gà, vịt. Đến năm 2014, nhận thấy việc chăn nuôi cũng có nhiều rủi ro, có những lứa anh Cường xuất chuồng bị đúng vào dịp rớt giá nên chẳng được đồng lãi nào, thế là anh xoay sang nghề khác. Vốn gia đình có nghề truyền thống làm vàng mã từ rất lâu đời, lại được học nghề từ nhỏ nên anh Cường quyết định khôi phục lại nghề này và làm cho đến bây giờ. Nhờ có đôi bàn tay khéo léo, hàng hóa luôn phong phú, đảm bảo chất lượng nên khách của nhà anh ngày càng đông, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Những lúc cao điểm như các dịp lễ, Tết anh Cường còn tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong và ngoài xã đã đến nhà anh để học hỏi kinh nghiệm và đều được anh tận tình hướng dẫn. Hiện, trung bình mỗi năm anh Cường xuất ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Sống trên cuộc đời này, có lẽ không ai dám chắc rằng mình sẽ không mắc lỗi. Chỉ có điều, sau những lúc lầm đường, lạc lối ấy người ta có nhận ra sai lầm để kịp thời sửa chữa hay không mà thôi. Chúng tôi hy vọng câu chuyện của anh Cường sẽ là điểm sáng dẫn lối cho những người đang làm lại cuộc đời của mình.

Trang Nhi