Trước đây, hơn 23ha đất nông nghiệp, bà con ở xóm Phú Lương chỉ biết cấy lúa 2 vụ và trồng ngô, ngoài ra không trồng thêm cây gì khác. Chính vì thế mà đời sống của hầu hết người dân luôn trong tình trạng bấp bênh. Làm thế nào để giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế là một trong những vấn đề luôn được đưa ra bàn bạc tại các cuộc họp chi bộ. Theo đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Bí thư Chi bộ xóm Phú Lương, trước mỗi mùa vụ, chi bộ đều họp đánh giá kết quả sản xuất, căn cứ vào tình hình thực tế của xóm để đưa ra những chuyên đề sinh hoạt phù hợp. Qua đó, định hướng người dân nên trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với lợi thế có dòng sông Đào chảy qua, đất đai màu mỡ, phù hợp để trồng một số cây màu như: dưa chuột, ớt, bí xanh... tháng 3-2010, chi bộ đã quyết định đưa việc vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm nội dung sinh hoạt chuyên đề. Theo đó, vận động người dân chuyển từ cấy 2 vụ lúa sang cấy 2 vụ lúa và trồng 1 vụ màu; đồng thời tích cực đưa các giống lúa lai và một số cây màu như: dưa chuột, dưa lê, ớt vào trồng. Qua thảo luận, Chi bộ đã đưa ra nghị quyết chuyên đề vè chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các đảng viên đều nhất trí tiên phong làm trước để bà con học tập, noi theo. Chị dương Thị Nhung, một trong những đảng viên tiên phong đưa giống dưa chuột xuất khẩu, ớt Hiểm lai F1 vào trồng với diện tích hơn 2 sào. Sau vụ thu hoạch, cho năng suất cao (dưa chuột đạt 2,5-2,7 tấn/sào, ớt cho năng suất xấp xỉ 7 tạ/sào/vụ) và thị trương tiêu thụ thuận lợi nên tôi đã vận động bà con trong xóm đưa những loại cây này vào trồng. Ban đầu, bà con chưa mạnh dạn áp dụng nên cả xóm chỉ có một vài hộ trồng với diện tích 5-7 sào dưa chuột và ớt. Đến nay, Phú Lương trở thành xóm có diện tích cây màu lớn nhất xã (khoảng 15ha), trong đó, diện tích dưa chuột 10ha, ớt khoảng 3ha... Năm 2015, bình quân mỗi sào dưa chuột, người dân thu lãi khoảng 7 triệu đồng (cao gấp 3 lần so với trồng ngô); mỗi sào ớt cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào/vụ... Nhờ đó, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể.
Thời điểm năm 2013-2014, Phú Lương được xem là một trong những xóm có tình hình an ninh trật tự phức tạp. Bởi, xóm có số người mắc nghiện ma túy cao nhất xã (khoảng 10 người). Cùng với đó, nạn trộm cắp tài sản diễn ra khiến bà con đều lo lắng. Từ thực tế đó, hằng tháng, trong cuộc sinh hoạt chi bộ, ngoài việc đánh gia tình hình chung, chi bộ đều dành thời gian tập trung bàn về các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong xóm. Cụ thể, chi bộ đã phân công mỗi đảng viên có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể đến nhà các đối tượng tuyên truyền, vận động người nhà đưa đi trung tâm cai nghiện. Thành lập 3 tổ tự quản phối hợp với công an viên của xóm tổ chức tuần tra vào ban đêm nhằm kiểm soát tình hình, giảm thiểu tình trạng trộm cắp tài sản. Hằng tháng, các tổ tự quản sẽ báo cáo lại tình hình với chi bộ để có cơ sở đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, các đối tượng nghiện ma túy đã tham gia cai nghiện và chưa xuất hiện thêm các đối tượng mắc các tệ nạn xã hội.
Từ những kết quả đạt được, chi bộ xóm Phú Lương đã khẳng định vai trò của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Hiện, Chi bộ có 26 đảng viên, hầu hết các đảng viên đều phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các phong trào chung. Năm 2016, nhằm đổi mới hình thức sinh hoạt, hằng tháng, chi bộ đều thông báo nội dung sinh hoạt đến các đảng viên trước đó khoảng 1 tuần. Từ đó, các đảng viên có thời gian chuẩn bị ý kiến đóng góp trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt. Cùng với đó, chi bộ cũng chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đưa vào nội dung sinh hoạt, để từ đó Nghị quyết của chi bộ gắn với nhu cầu và lợi ích của nhân dân.
Nhận xét về chi bộ xóm Phú Lương, đồng chí Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Lương Phú cho rằng, Phú Lương là một chi bộ phát huy được sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ Đảng, thể hiện vai trò “hạt nhân” chính trị ở cơ sở. Qua đó, đội ngũ đảng viên nâng cao ý thức, gương mẫu trong mọi phong trào; nhân dân đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia phát triển kinh tế... Đặc biệt, chi bộ đã thực hiện tốt sinh hoạt cấp ủy trước khi sinh hoạt chi bộ; nội dung các cuộc họp chi bộ đều gắn với thực tế tại địa phương và được chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng. Có thể nói, sự lãnh đạo của chi bộ đã góp phần quan trọng giúp Phú Lương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15% (năm 2012) xuống còn 8% (năm 2015), thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm (cao hơn 1 triệu đồng so với thu nhập bình quân của toàn xã). Đời sống nâng cao, bà con có điều kiện đóng góp tiền, nguyên vật liệu để làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa và xây dựng một số công trình công cộng phục vụ dân sinh.