Cập nhật: Thứ tư 03/08/2016 - 15:26
Huấn luyện dân quân tự vệ tại phường Lương Châu (T.P Sông Công). Ảnh Linh Lan.
Huấn luyện dân quân tự vệ tại phường Lương Châu (T.P Sông Công). Ảnh Linh Lan.

Sau 5 năm thực hiện thí điểm thành lập chi bộ quân sự cấp xã, nhiều người “trong cuộc” lên tiếng cho rằng mô hình này không phù hợp.

 Hiệu quả hoạt động chưa rõ nét

 

Những địa phương đã thành lập chi bộ quân sự xã và qua thực tiễn hoạt động thấy thực sự có tác dụng, phát huy hiệu quả thì tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động theo Hướng dẫn này. (trích Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW của Ban Tổ chức TW về tổ chức và hoạt động của chi bộ quan sự xã, phường, thị trấn).
 
Đồng chí Nguyễn Thị Hương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ): Đề nghị duy trì thí điểm mô hình CBQS thêm một nhiệm kỳ nữa.

Lần đầu tiên sau 5 năm thực hiện thí điểm thành lập và hoạt động chi bộ quân cấp xã, những người “trong cuộc” - cụ thể là các bí thư chi bộ - đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, đề xuất suy nghĩ của mình. Đặc biệt, 100% người đứng đầu chi bộ quân sự (CBQS) cấp xã đều đánh giá mô hình này hiệu quả hoạt động chưa rõ nét.

 

Nhắc lại thời điểm 7 năm trước, trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, Ban Bí thư Trung ương (TW) đã ban hành Kết luận số 41-KI/TW ngày 31-3-2009 về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”. Căn cứ Hướng dẫn số 35 của Ban Tổ chức TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 91-CV/TU ngày 10-5-2011, chỉ đạo mỗi huyện, thành phố, thị xã lựa chọn thí điểm thành lập 1 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 9 CBQS, 9/9 đồng chí bí thư Đảng ủy xã là bí thư CBQS. Đối tượng lãnh đạo của CBQS là ban chỉ huy quân sự cấp xã, trung đội dân quân cơ động (toàn tỉnh có 191 trung đội dân quân cơ động), tiểu đội dân quân, đơn vị dự bị động viên.

 

Từ khi thành lập CBQS, những kết quả ban đầu đã được ghi nhận. CBQS đã chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng dân quân có bản lĩnh chính trị vững vàng; trong 5 năm thành lập, 9/9 CBQS đều đạt trong sạch vững mạnh. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề đặt ra sau 5 năm thực hiện thí điểm mô hình CBQS.

 

Bí thư chi bộ vừa lãnh đạo, vừa tham mưu

 

Nhận xét trên của ông Lê Danh Khiêm, Bí thư CBQS phường Ba Hàng, Thị xã Phổ Yên là bất cập đầu tiên của mô hình được nhiều bí thư CBQS nói đến. Theo ông Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã là người lãnh đạo, triển khai nghị quyết ở Đảng bộ. Nhưng do đồng thời là bí thư CBQS, nên bí thư xã lại chính là người tham mưu thực hiện nghị quyết do mình ban hành.

 

Còn ông Đỗ Quốc Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành (Phú Lương) phân tích: Bí thư Đảng ủy xã sinh hoạt tại CBQS, không tham gia sinh hoạt tại chi bộ cơ quan xã là bất hợp lý. Bởi, chi bộ cơ quan là nơi tập trung nhiều cán bộ đầu mối phụ trách các lĩnh vực kinh tế - xã hội toàn xã. Việc không sinh hoạt cùng chi bộ dẫn đến công tác quán xuyến của bí thư không kịp thời, lãnh đạo thiếu tập trung.

 

Cũng về vấn đề sinh hoạt đảng, ông Dương Việt Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy quân sự, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự Thành phố Sông Công lại phát hiện bất cập khác: Chủ tịch UBND cấp xã với vai trò là chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự, người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả công tác quân sự - quốc phòng ở cơ sở thì lại không tham gia sinh hoạt CBQS. Từ đó khó nắm bắt, tham mưu, đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

 

Nói về việc bí thư Đảng ủy xã kiêm bí thư CBQS, ông Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư huyện ủy Võ Nhai băn khoăn: Trong khi ở cấp tỉnh và huyện, bí thư (tỉnh ủy, huyện ủy) đương nhiên là bí thư Đảng ủy quân sự (tỉnh, huyện) thì bí thư CBQS cấp xã lại do chi bộ bầu. Đặt giả sử, đồng chí bí thư đảng ủy xã này lại không được CBQS bầu làm bí thư chi bộ thì sẽ giải quyết thế nào? Từ đó, ông Tiệu đề xuất: Bí thư Đảng ủy xã đương nhiên là bí thư CBQS, không cần phải bầu như hiện nay.

 

Đảng viên “sinh hoạt hai vai”

 

Theo Hướng dẫn số 35 của Ban Tổ chức TW, CBQS gồm: Bí thư Đảng ủy xã làm bí thư chi bộ, xã đội trưởng làm phó bí thư, đảng viên là trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động và các thôn đội trưởng. Với cơ cấu này, hiện nay chi bộ đông đảng viên nhất là 9, ít nhất là 5. Ngoài chi ủy hầu hết là cấp ủy xã, còn lại đảng viên “sinh hoạt hai vai” ở cả CBQS và chi bộ nơi cư trú. Các đảng viên này ngành nghề đa dạng, nhiều người đi làm ăn xa nên ảnh hưởng đến chất lượng và con số tham gia sinh hoạt. Nói như ông Dương Văn Định, Bí thư CBQS Thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) thì: Chúng ta đang phải đi “mượn” đảng viên để sinh hoạt.

 

Hơn nữa, dù có gần 5.000 người (toàn tỉnh) là dân quân cơ động nhưng lực lượng này không có tổ chức đoàn thanh niên, “nguồn” thanh niên nằm ở các tổ dân phố, thôn, bản do chi bộ dân cư quản lý. Muốn có thêm đảng viên mới, CBQS phải phối hợp với chi bộ dân cư để tạo nguồn, giới thiệu. 5 năm qua số lượng đảng viên do CBQS tham mưu cho cấp ủy địa phương tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên khá thấp.

 

Còn nhiều hạn chế khác bộc lộ sau 5 năm triển khai mô hình, như nội dung sinh hoạt nghèo nàn, thường cuộc họp chỉ có bí thư “độc thoại; nghị quyết ban hành sơ sài, nhất là vào những tháng không nằm trong “thời vụ” huấn luyện; việc bình xét xếp loại đảng viên hằng năm chưa chính xác vì đảng viên chỉ được đánh giá về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

 

Từ những hạn chế, bất cập nói trên, nhiều bí thư CBQS cho rằng mô hình này cần được xem xét lại. Bà Nguyễn Thị Hương, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) cùng các bí thư CBQS cấp xã: Hùng Sơn (Đại Từ), Bình Long (Võ Nhai), Quan Triều (T.P Thái Nguyên), Chợ Chu (Định Hóa) có chung đề xuất: Mô hình CBQS chỉ phù hợp với lực lượng dân quân thường trực, lực lượng cơ động chuyên trách trong thời chiến hoặc ở biên giới hải đảo.

 

Tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp

 

Phải chăng mô hình CBQS không phù hợp? ông Nguyễn Văn Tiệu có góc nhìn khác. Theo ông, việc thành lập và hoạt động CBQS theo Điều lệ Đảng. Đây là việc làm đúng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Những vướng mắc, khó khăn nói trên cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục và tiếp tục triển khai, chứ không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ông Tiệu gợi ý: Để khắc phục tình trạng lãnh đạo xã bị “khoảng trống” thông tin, các buổi sinh hoạt CBQS nên mời chủ tịch UBND xã tham gia và ngược lại, chi bộ cơ quan xã sinh hoạt nên mời bí thư CBQS. Nội dung sinh hoạt có phong phú hay không cũng là do người đứng đầu biết cách lãnh đạo. Đảng viên CBCS cần nắm bắt các vấn đề về kinh tế - xã hội ở địa phương chứ không chỉ quan tâm đến quân sự. Tuy nhiên, ông Tiệu cũng đề nghị: CBQS cần được Đảng ủy quân sự và Ban Tổ chức TW có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

 

Về những bất cập khi thực hiện mô hình CBQS của tỉnh, ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Nguyên nhân của những hạn chế trên phần lớn do chủ quan. Trong đó có việc chúng ta chưa thường xuyên đánh giá hoạt động của CBQS để điều chỉnh phù hợp với tình hình ở cơ sở; công tác phối hợp giữa đảng ủy quân sự huyện, thành phố, thị xã và các ban xây dựng Đảng cùng cấp chưa được quan tâm đúng mức; nhiều cấp ủy chưa nắm chắc Hướng dẫn số 35 của Ban Tổ chức TW nên lãnh đạo, chỉ đạo chưa toàn diện. Ông Bùi Xuân Hòa khẳng định: Thành lập CBQS là vấn đề lớn, liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang, ngay cả khi đất nước hòa bình. Không thể cứ thấy khó khăn là bàn lùi. Cần thay đổi nhận thức và tiếp tục thực hiện, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, rút kinh nghiệm để tìm ra cách làm tốt nhất.

 

Minh Hằng