Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm viêm gan C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Ở một số nhóm, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B khoảng 6-20%; tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong nhóm phụ nữ có thai là khoảng từ 10-20%. Tỷ lệ đồng nhiễm HIV và viêm gan B là 14,2%. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C cao hơn nhiều trong nhóm nghiện chích ma túy và bệnh nhân truyền máu. Tỷ lệ đồng nhiễm HIV và viêm gan C khoảng 39,6%, tập trung chủ yếu ở đối tượng tiêm chích khoảng 54%. Vi rút viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và vi rút viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Viêm gan B và C là nguyên nhân chính gây xơ gan, ung thư gan và tử vong liên quan đến viêm gan vi rút. Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan vi rút, trong đó viêm gan vi rút B và C lây truyền tương tự như vi rút HIV bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân, miệng do thức ăn, nước uống bị nhiễm nguồn bệnh và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Trong 5 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C trên thế giới ước tính mỗi năm là khoảng 1,4 triệu người. Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn nhưng chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chỉ có chưa đến 1% được tiếp cận điều trị.
Bệnh viêm gan vi rút B và C có thể dự phòng và điều trị được. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế và thực hiện các biện pháp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy. Đối với trẻ em khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao như Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Năm 2016, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%. Tại Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B đạt tới 95% và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt 65%...
Việt Nam là một trong 36 quốc gia trên thế giới đã ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan vi rút. Kế hoạch quốc gia đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; sử dụng các mô hình tốt để tăng tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ; sàng lọc phát hiện nhiễm vi rút viêm gan B và C cho nhóm có hành vi nguy cơ cao; phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp viêm gan mạn tính. Đồng thời, thực hiện phân tuyến sàng lọc, chẩn đoán, điều trị viêm gan vi rút, đặc biệt là viêm gan vi rút B và C và theo hướng tiếp cận cộng đồng. Mặt khác, cần lồng ghép can thiệp phòng lây nhiễm viêm gan, đặc biệt là viêm gan C vào hoạt động phòng chống lây nhiễm HIV cho người nhiễm HIV, nguy cơ nhiễm HIV.