Cập nhật: Thứ hai 17/10/2016 - 15:35
Nhiều hộ nông dân ở Võ Nhai đã đầu tư mua máy gặt liên hợp công suất lớn để làm dịch vụ nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao do đồng ruộng phân tán.
Nhiều hộ nông dân ở Võ Nhai đã đầu tư mua máy gặt liên hợp công suất lớn để làm dịch vụ nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao do đồng ruộng phân tán.

Sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khoá X (Nghị quyết số 26-NQ/TW) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều vấn đề trong sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên đã được giải quyết, góp phần nâng cao giá trị, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, đời sống của người nông dân trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, tình trạng thiếu lương thực vào những ngày giáp hạt cơ bản không còn. Song, để đạt được trọn vẹn các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW, vấn đề đặt ra là tỉnh ta phải có lời giải thoả đáng cho bài toán “vạn thửa” trong sản xuất nông nghiệp…

Đồng gần - đồng xa

 

Thái Nguyên là một trong những tỉnh triển khai tương đối đồng bộ và toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác quản lý, sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp. Khởi phát chính sách cải cách ruộng đất được thực hiện tại huyện Đại Từ năm 1951, rồi đến một số địa phương khác trong tỉnh. Tiếp đến là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (tháng 1-1959) về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp”  và các chỉ thị, nghị quyết liên quan khác về sau này (số đất nông nghiệp mà các tổ chức trên địa bàn tỉnh quản lý hiện này chỉ còn  867ha/112.797ha). Từ những chính sách này đã đưa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn về cho bà con nông dân quản lý, sử dụng, canh tác ổn định. Song, chính việc đất nông nghiệp chia quá nhỏ thành nhiều thửa và phân bổ thiếu tập trung đã không còn phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Điều này đòi hỏi cấp các, ngành chức năng của tỉnh ta lại phải mạnh dạn “cởi trói” để giải phóng nguồn lực trong phát triển nông nghiệp, nhất là quỹ đất sản xuất...

 

Khi các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tan vỡ, đất nông nghiệp được chia nhỏ về cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, canh tác. Chính sách “phân phối” được áp dụng trong quá trình chia lại ruộng đất tại các địa phương trong tỉnh. Do vậy, mỗi hộ nông dân được chia từ vài mảnh ruộng đến vài chục mảnh ruộng và để đảm bảo tính công bằng, hộ nào cũng có “bờ xôi, ruộng mật”, có ruộng “đầu hươu, mõm nai”. Chia quá nhỏ diện tích đất nông nghiệp và cắt nát tất cả các cánh đồng nên các thửa ruộng thuộc một hộ gia đình quản lý nhưng cách nhau tới vài trăm mét, dẫn tới canh tác vô cùng bất lợi.

 

Theo số liệu đo đạc mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên công bố, hiện trên địa bàn có 303.674ha nhóm đất nông nghiệp, chiếm 86,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 111.929ha đất nông nghiệp (cấy lúa, trồng màu) đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng; 108.736ha đất lâm nghiệp cũng đã được chia cho các hộ gia đình (hiện một số tờ bản đồ có tới trên 5.000 thửa đất nông nghiệp). Mức bình quân đất nông nghiệp trong tỉnh đạt từ 500m2-700m2/lao động làm nghề nông (khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp/hộ); tỷ lệ đất lâm nghiệp cao hơn nhưng chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, như: Võ Nhai, Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương. Đặc biệt là có hộ nông dân trong tỉnh được cấp quyền sử dụng tới 20 thửa đất nông nghiệp nhưng thửa có diện tích lớn nhất là 1.250m2, còn thửa nhỏ nhất là 36m2. Các thửa ruộng này lại nằm tại nhiều cánh đồng khác nhau bởi quá trình chia đất của HTX trước đây.

 

Bà An Thị Hương, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Tình trạng đất nông nghiệp được chia quá nhỏ đã gây khó khăn cho công tác quản lý và việc canh tác của người nông dân không thuận lợi. Một hộ dân ở xã Cây Thị quản lý tới 25 thửa đất nông nghiệp nhưng tổng diện tích chỉ có 3.870m2. Đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún trước đây sản xuất đã khó thì giờ áp dụng cơ giới hoá càng trở nên bất cập, khó khả thi, nhất là ở vùng nông thôn đồng ruộng chưa được quy hoạch, thiếu hệ thống bờ vùng. Khảo sát tại 3 hộ gia đình đã mua máy cày và máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ tại các huyện: Võ Nhai, Đại Từ và T.P Thái Nguyên, chúng tôi thấy 1 ngày máy có thể cày hoặc gặt được từ 1ha đến 1,5ha nhưng thực tế sử dụng chỉ đạt 35% công suất. Nguyên nhân là do ruộng quá nhỏ và không liền thửa, lịch nông vụ của các gia đình khác nhau nên thời gian thu hoạch khác nhau; di chuyển máy trên các cánh đồng vô cùng khổ cực vì không có đường bờ vùng. Điều kiện như vậy thì bao giờ nông dân trong tỉnh mới cơ giới hoá thành công và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp?

 

Để nghị quyết “thấm sâu” vào cuộc sống

 

Chủ trương đổi thửa để dồn điền đã từng được triển khai trên địa bàn tỉnh và khoảng 5 năm trở lại đây có một số nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã chủ động thực hiện, bước đầu thành công, như: Anh Trần Văn Sơn ở xã Tân Phú (T.X Phổ Yên). Để có diện tích trên 2.000m2 đất nông nghiệp liền khu phục vụ phát triển kinh tế, anh Sơn đã phải tự thoả thuận với các hộ dân khác trong xóm để lấy ruộng của gia đình đổi sang ngang, đổi vượt diện tích hoặc mua lại quyền sử dụng với giá cao. Thống nhất được với các hộ dân, anh Sơn tiếp tục đi làm thủ tục, nộp các loại phí, thuế theo quy định. Một hộ dân khác ở xã Mỹ Yên (Đại Từ) thống nhất đổi được 3 khoảnh nương với các hộ dân trong xóm để lấy một khu đất lâm nghiệp rộng trên 1ha phục vụ trồng rừng kinh tế. Ngoài việc chịu thiệt về diện tích, gia đình người nông dân này phải bỏ ra khoản tiền gần 6 triệu đồng để đo đạc lại diện tích đã đổi mới đủ điều kiện để UBND huyện Đại Từ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Qua khảo sát của chúng tôi và thông tin của các cán bộ xóm, xã trên địa bàn cung cấp, hiện có rất nhiều người dân trong tỉnh có nhu cầu tự thoả thuận để hoán đổi diện tích đất nông nghiệp cho nhau nhằm tạo ra những khu vực sản xuất đủ lớn. Song, do thủ tục chia tách Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp và phải nộp các khoản thuế, phí đang khiến người nông dân rất sợ. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo quy định hiện hành, khi các tổ chức, cá nhân sang nhượng, chia tách đất phải thực hiện nghĩa vụ đóng phí, thuế theo quy định của pháp luật. Do vậy, nếu muốn giúp nông dân trong tỉnh được miễn phí, thuế trong việc dồn điền hàng vạn thửa đất thì phải có nguồn tài chính tương ứng bù đắp các khoản chi phí trong quá trình thực hiện…

 

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta triển khai 2 đề án, gồm: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một trong những nội dung quan trọng của 2 Đề án này là tỉnh ta có chủ trương dồn điền thí điểm 5.000ha đất canh tác 2 lúa để đầu tư xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Diện tích dồn điền được thực hiện ở cả 9 huyện, thành, thị (Đại Từ 1.100ha, Phú Bình 1.000ha, T.X Phổ Yên 900ha, Định Hoá 500ha, Phú Lương 450ha, Võ Nhai 220ha, T.P Thái Nguyên 200ha, T.P Sông Công 160ha) và thực hiện 50 cánh đồng lớn quy mô từ 30ha trở lên/mô hình. Đây là việc làm không dễ trong vòng 4 năm nữa nhưng nếu có kết quả thực sự sẽ là hình mẫu cụ thể để người nông dân trong tỉnh học tập, tự thoả thuận để đổi đất dồn điền, tiến hành sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Chỉ có như vậy Nghị quyết số 26-NQ/TW về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới thấm sâu vào cuộc sống, 4/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh mới được giữ vững…

Văn Hiến