Cập nhật: Thứ bẩy 29/10/2016 - 23:11
Hiện nay, 5 xóm người Dao của xã Vũ Chấn (Võ Nhai) có 30ha chè. Thu nhập từ cây chè đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Người dân xóm Khe Rạc thu hái chè vụ đông.
Hiện nay, 5 xóm người Dao của xã Vũ Chấn (Võ Nhai) có 30ha chè. Thu nhập từ cây chè đã góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Người dân xóm Khe Rạc thu hái chè vụ đông.

Vũ Chấn – xã vùng cao của huyện Võ Nhai được chia cắt thành 2 vùng rõ rệt. Vùng ngoài là các xóm Na Mấy, Đồng Đình, Na Rang, Na Đồng, Na Cà, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống; vùng trong là các xóm Cao Sơn, Khe Rịa, Khe Cái, Khe Rạc, Khe Nọi, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Do không có điều kiện thuận lợi về giao thông, ít đất cấy lúa, điện lưới quốc gia chưa phủ kín các xóm… nên bao năm nay, đời sống của bà con ở các xóm người Dao luôn “đi sau” những xóm vùng ngoài. Đây chính là điều làm Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi đây luôn trăn trở…

Bí thư Đảng bộ Nông Văn Tuyển cho biết: Chúng tôi biết, bên cạnh những khó khăn thì các xóm người Dao cũng có rất nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, chỉ có điều do tư duy phát triển kinh tế còn nhiều lạc hậu nên bà con chưa khai thác hết lợi thế của mình đó thôi.

 

Từ những nhận định như vậy, hằng năm, Đảng bộ xã Vũ Chấn luôn đề ra những nghị quyết sát với thực tế của các xóm người Dao như: Chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm phát triển mạng lưới điện quốc gia đến các hộ dân; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như khai thác thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng, cây chè, đưa các loại giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như lúa lai, ngô lai, khoai mì… vào sản xuất; khuyến khích bà con quan tâm tới sự học hành của con trẻ…

 

Để các chủ trương của Đảng nhanh chóng “bén rễ” vào cuộc sống, Đảng bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên ở những chi bộ xóm người Dao; yêu cầu các đảng viên phải nêu cao vai trò tiên phong để làm gương cho quần chúng noi theo. Không phụ lòng mong mỏi của Đảng bộ cấp trên, từng đảng viên trong các chi bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tiêu biểu là Bí thư Chi bộ xóm Khe Rạc Trần Văn Hồng. Tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng những việc làm của đảng viên Hồng đã khiến nhiều người dân trong xóm nể phục. Với quan điểm, đã là đảng viên thì phải luôn nỗ lực vượt qua cái nghèo, có cuộc sống ổn định thì nói dân mới tin. Từ nhận thức đó, anh Hồng đã tập trung phát triển kinh tế gia đình.

 

Bí thư Đảng bộ xã Vũ Chấn gọi anh Hồng với các tên rất thú vị: Đảng viên “hai giỏi” trong phát triển kinh tế, đó là trồng rừng giỏi, sản xuất chăn nuôi giỏi. Gia đình anh Hồng có hàng chục héc-ta rừng. Thay vì trồng keo lai, anh đã mạnh dạn trồng cây phấn. Là một trong những nguyên liệu để làm đũa rất tốt nên thị trường tiêu thụ thuận lợi, cây phấn lại được khai thác, tỉa thưa đều đặn theo từng năm nên thu nhập của gia đình anh khá ổn định. Chỉ riêng từ cây trồng này, mỗi năm, anh có thu nhập hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, từ chăn nuôi gia cầm, lợn… cũng mang lại nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng cho gia đình anh. Đó là chưa kể nguồn thu từ chè, lúa… Có thể, nguồn thu nhập của gia đình anh Hồng không đáng kể gì so với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, nhưng nó lại rất có ý nghĩa với một xóm nghèo như Khe Rạc.

 

Hay như đảng viên Triệu Kim Phú, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cái, cũng là một tấm gương “phản chiếu” những nỗ lực để bà con trong xóm noi theo. Năm nay 35 tuổi, nhưng đảng viên này đã có tới 2 khóa là người đứng đầu chi bộ Khe Cái. Không chỉ là người nhanh nhẹn, hoạt bát trong phát triển kinh tế và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, anh còn là người rất có “tài” vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, năm 2015, anh đã vận động được các hộ dân kéo điện từ trạm điện Na Rang về xóm. Anh Nông Văn Tuyển cho hay: Đời sống của người dân Khe Cái còn nhiều khó khăn lắm, phải là người rất hiểu dân, được dân tin thì mới có thể vận động được bà con đóng góp tới 7 triệu đồng/hộ để đưa điện lưới về xóm.

 

Có thể thấy, từ những chủ trương đúng đắn của Đảng bộ xã, từ việc mỗi đảng viên ở các chi bộ (nơi mà đời sống kinh tế của quần chúng nhân dân còn nhiều gian khó) luôn có ý thức đi đầu, tiên phong trong mọi phong trào, người dân ở các xóm người Dao đã tin tưởng và làm theo. Bà con đã mạnh dạn đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ngoài đẩy mạnh sản xuất các giống lúa lai như TH 3-3, Nhị ưu 838; các giống ngô lai như NK 4300, ĐK 888, ĐK 999, nhiều hộ đã đầu tư trồng cây khoai mì (giống cây khoai sọ). Do hợp đất nên trọng lượng mỗi củ khoai mì ở đây nặng từ 1 đến 2 kg. Loại củ này được dùng để làm nguyên liệu sản xuất bánh kẹo nên tiêu thụ rất thuận lợi. Với giá bán khoảng 7 nghìn đồng/kg, cây khoai mì cho thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng ngô. Hiện nay, cả 5 xóm người Dao đã phát triển được 100ha khoai mì, trong đó hơn 60 hộ ở xóm Cao Sơn và Khe Rạc phát triển mạnh nhất. Thậm chí, gia đình ông Đặng Văn Sơn, xóm Khe Rạc đã có mức thu nhập kỷ lục, lên đến 200 triệu đồng/năm từ trồng khoai mì. Ngoài ra, người Dao ở các xóm này còn phát triển được 200ha rừng trồng. Với mức thu mua từ 100 đến 150 triệu đồng/ha rừng như hiện nay, những diện tích rừng này khi đến tuổi khai thác sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân… Bên cạnh đó, trong số 30 ha chè của các xóm này, hiện đã có 50% diện tích được trồng thay thế bằng các giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao như LDP1, Kim Tuyên… Kinh tế bớt khó khăn, người dân có điều kiện quan tâm tới việc học hành của con cái. Khoảng 3 năm trở lại đây, số học sinh tốt nghiệp bậc THPT của các xóm người Dao rất cao, trong đó có nhiều em đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp… Bà con cũng đã nâng cao ý thức trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở…

 

Dù vẫn phải đối mặt với không ít gian nan khi mà giao thông đi lại còn khó khăn, nhiều hộ dân chưa có điện… nhưng những gì đạt được trong 3 năm trở lại đây chính là động lực để các đảng viên ở các xóm người Dao của xã vùng cao này tiếp tục nỗ lực và cống hiến.

Tùng Lâm