Năm 2000, chồng chị Tâm đi làm vàng mong tìm kiếm vận may đổi đời. Ở nơi đất khách, một phút yếu lòng anh đã không giữ nổi mình trước cám dỗ của ma túy và trở thành con nghiện lúc nào không hay. Tiền anh kiếm được bao nhiêu cũng tan biến theo làn khói trắng. Từ một thanh niên trai tráng, năm 2006, anh trở về nhà chỉ còn lại thân hình còm cõi, sức khỏe tiều tụy và mất sau đó vài tháng. Trong làng, mọi người đồn anh bị mắc bệnh xã hội. Tin đồn trở thành sự thật chua xót, khi chị cầm trên tay kết quả xét nghiệm với dương tính HIV. Chị nhớ lại: “Lúc nhận kết quả xét nghiệm, tôi như ngã khụy, không tin nổi đó là sự thật, không ngờ mình bị nhiễm HIV từ chồng. Bế tắc, tuyệt vọng, chán chường, tôi thấy cuộc đời như chấm hết, không còn gì để tiếc mong”.
Chồng qua đời để lại cho ba mẹ con nỗi cô đơn, cơ cực và sự xa lánh của người đời. Chị vẫn không thể nào quên ánh mắt miệt thị, sự ghẻ lạnh của mọi người xung quanh. Họ từng sợ hãi tới mức không dám ngồi ăn chung, trò chuyện hay bắt tay. Đau đớn, tủi nhục, chị từng muốn kết thúc cuộc đời, nhưng nghĩ tới hai đứa con thơ, chị lại cố gắng gượng dậy. Chị bảo rằng: “Ông trời không lấy của ai đi tất cả, tôi vẫn may mắn khi các con không bị nhiễm HIV. Nghĩ về các con, thấy mình cần sống tích cực hơn”. Dần lấy lại tinh thần, chị Tâm tập trung vào công việc hàng ngày bên nương chè, ruộng lúa để quên đi nỗi đau bệnh tật. Mỗi khi rảnh rỗi chị ra phố làm thuê để kiếm thêm chút tiền lo cho con ăn học. Chị bỏ qua những lời dèm pha, những ánh mắt kỳ thị mỗi lần tới trạm y tế khám, tư vấn và lấy thuốc điều trị. Nhờ tìm hiểu, chị nhận thức được HIV không dễ lây lan, người nhiễm HIV có thể khỏe mạnh bình thường nếu như được điều trị đúng cách, sống lành mạnh và lao động sản xuất tích cực… Hơn thế, tới trạm y tế, chị có cơ hội gặp nhiều người có chung hoàn cảnh và nghị lực sống của họ.
Từ bản thân mình và qua những câu chuyện được lắng nghe, chị thấy người nhiễm HIV ban đầu thường suy sụp về tinh thần, có suy nghĩ tiêu cực, mặc cảm và tự ti với cộng đồng. Vì thế, chị nghĩ tới việc thành lập một “mái ấm” cho người có HIV, giúp họ san sẻ bớt nỗi đau, vơi đi nỗi buồn, vươn lên hòa nhịp với cuộc sống đời thường. Ấp ủ thực hiện suy nghĩ, chị Tâm đã không ngại đến Trạm y tế xã, tới nhà người có HIV vận động họ và người thân tham gia. Năm 2010, Câu lạc bộ (CLB) Vòng tay nhân ái - mái ấm cho người HIV ở xã Minh Lập chính thức được thành lập, chị Tâm làm Phó Chủ nhiệm. Ban đầu, CLB có 36 người, nhưng đến nay đã thu hút trên 70 người có HIV và thân nhân họ tham gia. Chị N.T.H (ở xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập) là thành viên của CLB xúc động nói: “Khi biết bị nhiễm HIV từ chồng, tôi đã buông xuôi tuyệt vọng. Nhưng may mắn giữa lúc bế tắc, tôi được gặp được chị Tâm. Chị là người đã thắp sáng lại niềm tin trong tôi. Chị kể về hoàn cảnh của những có HIV vẫn sống khỏe mạnh, hạnh phúc; chia sẻ với tôi những kiến thức về chăm sóc bản thân. Chị đưa tôi đến ngôi nhà chung để đón nhận những nụ cười, ánh mắt của sự đồng cảm, giúp tôi vượt qua nỗi sợ của HIV”. Giống như chị N.T.H, sinh họat tại mái nhà chung, các thành viên còn giúp nhau làm kinh tế, chăm sóc nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Đồng thời, giúp người thân và họ biết biết cách chăm sóc sức khỏe, phòng trống lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Chị Tâm nói với chúng tôi rằng: “Niềm tin là sức mạnh để bản thân có thể tồn tại. Muốn để mọi người tin tưởng vào mình thì mình phải tin mình trước. Và muốn xã hội ghi nhận, bản thân phải sống ý nghĩa, đóng góp cho xã hội”. Vì thế, nhiều năm nay, chị Tâm mở lòng mình ra để hòa nhập với mọi người, tự tin tham gia phong trào địa phương và Hội Phụ nữ. Không chỉ vậy, chị còn tham gia làm thành viên nòng cốt Hội Chữ thập đỏ tỉnh chăm sóc, hỗ trợ và phòng chống lây nhiễm HIV cho người dân tại địa phương. Nhờ đó, chị dần chiếm được sự cảm mến và làm thay đổi suy nghĩ của mọi người về mình và căn bệnh mắc phải. Nhiều năm qua, chị được bà con ủng hộ, tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm; nhận nhiều Giấy khen của Hội Phụ nữ xã và Hội Chữ thập đỏ tỉnh… Sự mặc cảm và nỗi đau về HIV của chị Tâm dần qua đi để nhường chỗ cho lòng quyết tâm, khao khát sống có ích cho xã hội. Việc làm của chị Tâm đã góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng, là tấm gương về nghị lực sống của người có HIV.