Lam Vỹ là xã nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn, xóm Làng Hôống lại ở tốp nghèo khó nhất xã, hiện còn 20/51 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo. Nhiều hộ dân trong xóm phải chật vật lo toan cuộc sống vì ít đất trồng cấy và thiếu nước sản xuất, diện tích đất lâm nghiệp chủ yếu đã được quy hoạch thành rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (khu vực núi đá). Vậy nhưng 2 năm nay, Làng Hôống đã trở thành điển hình của xã về huy động sức dân phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hiến đất, đóng góp đối ứng để làm đường giao thông nông thôn. Tính cả 370m đường bê tông sắp hoàn thành thì xóm đã làm được tổng cộng gần 1.800m đường. Riêng đợt này, mỗi nhân khẩu đối ứng 700 nghìn đồng, người dân đã hiến trên 3.000m2 đất các loại, chưa kể hàng trăm ngày công để làm đường. Ngoài ra, nhằm phục vụ Dự án tuyến đường liên xã Chợ Chu – Kim Phượng – Lam Vỹ (giai đoạn 2) chạy qua xóm khoảng 1km đang thi công, người dân đã hiến gần 6.000m2 đất. Có những trường hợp đặc biệt như gia đình ông Lâm Văn Sâm đã hiến tới 3 sào ruộng, 3 hộ khác ngoài hiến đất đã phá dỡ công trình phụ để phục vụ Dự án.
“Chúng tôi không có bí quyết gì cả, mọi việc đều do người dân đồng thuận cao mà thành”. - Anh Lâm Văn Khánh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Làng Hôống chia sẻ khiêm tốn. Tôi hỏi thêm: Nhưng làm thế nào để người dân đồng thuận và có khí thế cao như vậy? Anh Khánh nói tiếp: Chúng tôi không bao giờ áp đặt bà con bằng nghị quyết của Chi bộ hay các kế hoạch. Mọi việc lớn của xóm, Chi bộ đều ra nghị quyết lãnh đạo. Nhưng để nghị quyết thực sự khả thi, Chi ủy bàn kỹ nhằm thống nhất chủ trương sau đó thông qua các cuộc họp để định hướng, thăm dò và tham khảo ý kiến người dân. Khi cơ bản người dân đồng tình, Chi bộ mới bàn để xây dựng nghị quyết, quán triệt tới các đoàn thể và chỉ đạo xóm lập kế hoạch chi tiết sau đó thông báo rộng rãi tới bà con. Mọi việc đều công khai, người dân đã biểu quyết, đã cam kết nên họ tự nguyện và vui vẻ thực hiện.
Cũng nhờ có sự đoàn kết, đồng thuận của người dân mà hơn 2 năm trở lại đây, xóm Nà Đin đã triển khai xây dựng được một số công trình. Tuyến đường bê tông dài 460m vừa hoàn thành là nỗ lực của cả xóm hơn 1 năm qua. Nghị quyết của Chi bộ lãnh đạo việc làm đường chỉ có vài gạch đầu dòng nhưng đó là kết quả của sự bàn bạc, thống nhất rất cao trong Chi bộ, đặc biệt là được tham khảo ý kiến của người dân từ trước.
Bí thư Chi bộ xóm Nà Đin Trần Văn Khoa cho biết: Chúng tôi rất trăn trở khi nghe bà con than nhiều vì đường hẹp, đường xấu. Từ nguyện vọng thiết tha và sự quyết tâm của người dân, Chi bộ chỉ đạo xóm họp để tham khảo ý kiến mọi người về phương án, kế hoạch làm đường, rồi mới xây dựng nghị quyết. Anh Khoa ví von, “nếu không xuất phát từ nguyện vọng của người dân, nghị quyết sẽ như treo trên cành cây, không có ý nghĩa gì”.
Từ thực tế khó khăn của xóm và đề nghị của người dân, Chi bộ chỉ đạo làm tuyến đường này qua 2 giai đoạn: Năm 2015, vận động hiến đất, huy động mỗi hộ dân đóng góp 1,5 triệu đồng và ngày công để mở rộng tuyến từ 1,8 lên hơn 5m. Năm nay, sau khi nhận hỗ trợ xi măng, xóm tiếp tục huy động người dân đối ứng tiền và ngày công để hoàn thành tuyến đường. Phương án cụ thể như thế nào, tìm mua nguyên vật liệu ở đâu để có giá rẻ hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng cũng được người dân bàn bạc cho ý kiến. Dân cùng làm, cùng giám sát, mọi thứ đều công khai nên công việc rất suôn sẻ. Xóm cũng đã chuẩn bị xong mặt bằng để đầu năm 2017 đổ bê tông thêm 500m đường.
Bằng cách làm tương tự, cuối năm 2014, Chi bộ Nà Đin đã đưa ra nghị quyết lãnh đạo xây dựng Nhà văn hóa mới. Người dân được bàn bạc dân chủ, tích cực góp hàng trăm ngày công san gạt mặt bằng và 1,5 triệu đồng/hộ để làm công trình. Một số cán bộ, đảng viên tự nguyện mang máy móc của nhà đến phục vụ thi công, hỗ trợ tiền để mua sắm thiết bị khiến người dân càng thêm tin tưởng và tâm đắc. Ông Hoàng Xuân Trường, người đã hiến 400m2 đất để làm Nhà văn hóa xóm, nói: Tôi rất tin tưởng cán bộ xóm vì họ luôn tôn trọng ý kiến của người dân và tiên phong gương mẫu...
Không chỉ 2 trường hợp vừa nêu, nhiều Chi bộ thuộc Đảng bộ xã Lam Vỹ cũng đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo ở cơ sở như: Nà Tiếm, Nà Loòng, Làng Giản, Đồng Keng... Điểm chung là họ đều xây dựng những nghị quyết xuất phát từ nguyện vọng của người dân, định hướng, thăm dò, tham khảo ý kiến của dân trước khi quyết định; cán bộ công khai, tôn trọng Quy chế dân chủ ở cơ sở và luôn gương mẫu. Ngoài lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, những việc như chọn mô hình khuyến nông nào phù hợp, cần đề nghị cấp trên mở lớp tập huấn về nội dung gì, hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất ra sao… đều được tham khảo ý kiến của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Lam Vỹ, đồng chí Hạc Văn Luận cho biết: Lam Vỹ là địa phương còn nhiều khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, chúng tôi đang nỗ lực phát huy nội lực nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con. Một trong những giải pháp hàng đầu được Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là phát huy vai trò, năng lực của các chi bộ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Điều này đã được nhiều chi bộ thực hiện khá tốt trong vài năm trở lại đây. Nghị quyết của chi bộ cũng chính là “nghị quyết” của dân nên thường được triển khai hiệu quả.