Trưởng xóm Nà Chú Nguyễn Văn Hà hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi ngay tại nơi ông đang cùng người dân trong xóm hoàn thiện đoạn cuối của tuyến đường bê tông dài 300m: Các anh xem, đường đẹp không, rộng, dầy thế này xe tải trên 10 tấn chạy qua thoải mái. Nếu xong tuyến này thì xóm đã làm được 1,7km đường bê tông rồi. Đời sống người dân cũng chưa khá lắm nhưng ý thức đóng góp và tinh thần thì rất cao. Trong làm ăn cũng vậy, giờ không mấy ai còn tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, hiệu quả khá lắm…
Cùng ông Nguyễn Văn Hà đi bộ tránh qua đoạn đường đang làm, xuống một thung lũng, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò của gia đình bà Nguyễn Thị Lý. 8ha đất rừng và ruộng được mẹ con bà Lý mua lại của một người trong xóm rồi bỏ công sức, đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, đắp hơn 1ha ao thả cá, mua 38 con bò lai về nuôi từ tháng 7 vừa qua. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, gia đình bà đã trồng cỏ, xây kho dự trữ và sắm máy chế biến cỏ. Bà Lý nói: Tôi thấy nuôi bò rất phù hợp với điều kiện ở đây vì đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn dồi dào, giá bò bán ra cũng ổn định.
Ngoài gia đình bà Nguyễn Thị Lý thì ở xóm Nà Chú cũng đang có một số hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng khá. Từ vài chục con trâu, bò cách đây 5 năm, hiện cả xóm có trên 200 con. Các mô hình chăn nuôi lợn, gà quy mô gia trại cũng ngày càng phát triển (cả xóm hiện có hơn 10 gia trại), những gia đình như: Ông Trịnh Văn Thanh, Phan Trung Sơn, La Văn Quỳnh, Trưởng xóm Nguyễn Văn Hà… thường nuôi từ 50 đến hơn 100 con lợn/lứa. Xóm cũng đang có khoảng 50/66 hộ nuôi cá thịt thương phẩm. Ông Nguyễn Văn Hà cho biết: Từ năm 2010 trở về trước, phần lớn người dân trong xóm vẫn thường có tâm lý thụ động, thiếu mạnh dạn trong làm ăn. Căn cứ vào những định hướng và chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Chi bộ xóm đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế, trọng tâm là vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Cán bộ, đảng viên trong xóm gương mẫu làm trước rồi tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và làm theo.
Cũng như Chi bộ Nà Chú, Chi bộ xóm Tân Thái đã xây dựng nghị quyết về phát triển chăn nuôi, nhấn mạnh việc vận động người dân chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang làm ao thả cá. Căn cứ để Chi bộ đề ra nghị quyết này là xóm có những diện tích ruộng thấp cấy lúa cho hiệu quả thấp, trong khi thuận lợi về nguồn nước để nuôi thủy sản. Bí thư Chi bộ Tân Thái Ma Văn Định thông tin: Trong 4 năm trở lại đây, người dân trong xóm đã chuyển đổi khoảng 2ha ruộng thành ao nuôi cá cho hiệu quả cao hơn nhiều lần, hiện một số hộ đang tiếp tục đầu tư theo hướng này. Các hộ ông Nguyễn Văn Toán, ông Ma Văn Thuận, ông Hoàng Đình Nghĩa… có kinh tế khấm khá từ nghề nuôi cá. Ngoài nuôi cá, một số hộ trong xóm cũng mạnh dạn chăn nuôi lợn quy mô gia trại. Xóm chỉ còn 4/39 hộ nghèo.
Không chỉ 2 trường hợp vừa nêu, tại các xóm như Nà Chát, Tân Trào, Nà Mỵ…, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà theo hướng sản xuất hàng hóa. Các loại vật nuôi mới với địa phương như dê, lợn rừng được ngày càng nhiều hộ đầu tư chăn nuôi. Cùng với chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt của xã Linh Thông cũng đang có những chuyển biến tích cực, người dân đã bước đầu thể hiện tư duy mạnh dạn khi chuyển sang trồng những giống cây mới, phù hợp với điều kiện địa phương.
Ông Lưu Tiến Thành, Chủ tịch UBND xã Linh Thông cho biết: Từ vụ xuân năm ngoái, chúng tôi đã xây dựng mô hình cánh đồng một giống lúa lai trên diện tích 30ha với sự tham gia của trên 100 hộ. Việc triển khai mô hình ngoài mục đích tăng năng suất còn nhằm thay đổi tư duy làm ăn manh mún, dựa nhiều vào kinh nghiệm bấy lâu nay của bà con. Vài năm gần đây, các giống lúa lai đã được người dân trong xã đưa vào gieo trồng phổ biến, có vụ đạt đến gần 70% diện tích. Với sự vận động, tuyên truyền của xã, hỗ trợ của cấp trên, từ chỗ gần như bỏ không đồng ruộng trong vụ đông, 2 năm gần đây mỗi năm người dân đã trồng được khoảng 7ha ngô. Các mô hình thử nghiệm trồng cây khoai tây, quýt cũng đã và đang được một số hộ dân tích cực hưởng ứng, phát triển kinh tế dựa vào rừng ngày càng được quan tâm.
Những chuyển biến ở xã nghèo Linh Thông trước tiên xuất phát từ sự chuyển biến tích cực trong tư duy của đội ngũ lãnh đạo xã và người dân. Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông Hoàng Thị Minh chia sẻ: Là một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, trước đây, không chỉ người dân mà cán bộ xã cũng ít nhiều có tâm lý tự ti, thụ động, thiếu mạnh dạn. Chúng tôi xác định phải thay đổi từ tư duy đến phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này đều nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Để các nghị quyết được triển khai hiệu quả, ngoài việc chỉ đạo quyết liệt, sát sao đối với chính quyền, Đảng ủy chỉ đạo các đoàn tích cực tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân; yêu cầu các chi bộ xây dựng nghị quyết chuyên đề bám sát vào thực tế của xóm, các đảng viên gương mẫu để người dân làm theo… Giờ thì phần lớn người dân đã có tư duy mạnh dạn trong làm ăn, ít còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên, đó là yếu tố quan trọng để Linh Thông vững bước trên chặng đường vượt khó phía trước, dù rằng xã vẫn còn tới 34% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt khoảng 14 triệu đồng/năm.