Chúng tôi gặp anh Nguyễn Danh Thiệu, sinh năm 1980, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) nhân chuyến cùng nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà gia đình bà Tạ Thị Dung có hoàn cảnh khó khăn tại tổ dân phố Nguyễn 1, thị trấn Hương Sơn. Miệng nói tay làm, anh Thiệu xắn tay cùng các bạn trẻ trèo thang, dỡ mái ngói, dọn đồ giúp bà Dung dựng lại căn nhà đã dột nát. Khi được hỏi về việc đã quá tuổi Đoàn mà vẫn tham gia công tác Đoàn, anh Thiệu cho biết: Tuổi tác không là trở ngại bởi khi đã làm cán bộ Đoàn thì phải luôn luôn xông xáo, “cháy hết mình” với công việc và hết lòng vì đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, nếu quá tuổi Đoàn vẫn giữ vị trí Bí thư Đoàn thì sẽ rất khó cho những người kế cận.
Có chung quan điểm như anh Thiệu, anh Dương Văn Tuyên, Bí thư Đoàn xã Điềm Thụy trăn trở: Tôi sinh năm 1979, có hơn 10 năm làm công tác Đoàn tại xã. Gắn bó với công tác Đoàn giúp tôi được rèn luyện, trang bị kiến thức và bản lĩnh. Tôi rất muốn được chuyển sang làm một công việc phù hợp với tuổi tác, trình độ chuyên môn. Còn ở xã Nga My, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1980) cũng đang trong độ tuổi trưởng thành Đoàn. Anh chia sẻ: Mặc dù công tác Đoàn tại địa phương những năm qua luôn đạt kết quả tốt nhưng do phụ trách công việc này quá lâu sẽ thành lối mòn, thiếu sáng tạo trong hoạt động. Nếu tôi được luân chuyển sang vị trí công việc mới phù hợp, tinh thần làm việc sẽ thoải mái hơn.
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách ở huyện Phú Bình thường xuyên được kiện toàn, công tác quy hoạch đào tạo nguồn cán bộ Đoàn cơ bản bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, về cơ cấu, độ tuổi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo báo cáo, về độ tuổi cán bộ Huyện đoàn đến năm 2017 có 2 đồng chí từ 35 tuổi trở lên; 2 đồng chí từ 30 đến 34 tuổi; 4 đồng chí từ 28 đến 30 tuổi. Về độ tuổi bí thư đoàn các xã, thị trấn tính đến năm 2017, có 12 đồng chí từ 35 đến 40 tuổi; 7 đồng chí từ 31 đến 34 tuổi; 2 đồng chí từ 27 đến 30 tuổi. Sau nhiều năm cống hiến, hầu hết cán bộ Đoàn quá tuổi đều mong muốn được trưởng thành Đoàn và luân chuyển sang vị trí công tác khác phù hợp hơn nhưng chưa được giải quyết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó về "đầu ra" cho cán bộ Đoàn quá tuổi là do cơ chế luân chuyển cán bộ ở địa phương còn nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ được biên chế tại các xã, thị trấn hạn chế, thường là những người giữ chức vụ bí thư, chủ tịch, trưởng các ban, ngành, đoàn thể. Do đó, khi cán bộ về hưu, chuyển công tác mới có "chỗ trống" cho cán bộ Đoàn thay thế. Việc làm lãnh đạo Đoàn quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến phong trào Đoàn mà còn cả tâm lý và sự tiến bộ của đoàn viên thanh niên, nhất là người đảm nhận vị trí Phó Bí thư Đoàn xã. Anh Đỗ Quang Xô, sinh năm 1979, Bí thư Đoàn xã Tân Khánh lo lắng: Tôi gắn bó với công tác đoàn từ năm 2000, đến năm 2009 được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Tân Khánh. Năm 2015, sau khi đồng chí Đỗ Hữu Hạ, nguyên Bí thư Đoàn xã (sinh năm 1971) được bố trí công việc khác, tôi mới được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Bây giờ tôi cũng đã quá tuổi Đoàn, không biết thời gian tới sẽ được bố trí công việc nào cho phù hợp.
Anh Vũ Cao Cường, Bí thư Huyện đoàn Phú Bình cho biết: Việc tháo gỡ, giải quyết bố trí công tác cho cán bộ Đoàn quá tuổi ở cơ sở đã được Huyện đoàn chú trọng. Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tích cực tham mưu đề xuất Thường trực Huyện ủy, cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi. Tuy nhiên, do định biên của cấp xã cố định và không có sự thay đổi nên “đầu ra” cho cán bộ Đoàn quá tuổi gặp những khó khăn nhất định. Huyện đoàn đang tiến hành làm việc trực tiếp với đảng ủy các xã có cán bộ Đoàn quá tuổi để tìm các giải pháp tháo gỡ, chú trọng đề án nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đoàn cấp cơ sở sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Tại hội nghị bàn về việc giải quyết "đầu ra" cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi Đoàn do Huyện ủy, Huyện đoàn phối hợp tổ chức mới đây có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, cán bộ cấp ủy đảng, tổ chức Đoàn từ huyện tới cơ sở. Rất nhiều ý kiến, băn khoăn trăn trở được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đoàn chia sẻ, tham gia một cách cởi mở, chân tình. Đồng chí Dương Văn Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Bình cho rằng: Đảng bộ huyện Phú Bình luôn xác định xây dựng Đoàn Thanh niên là xây dựng Đảng trước một bước và cán bộ làm công tác thanh niên là nguồn quan trọng bổ sung cán bộ cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể. Thời gian qua, Huyện ủy Phú Bình đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng phối hợp tham mưu phương án cụ thể. Để công tác luân chuyển cán bộ Đoàn kịp thời, bảo đảm độ tuổi trưởng thành, Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng phối hợp với các cấp bộ Đoàn chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, dài hơi từ công tác tuyển dụng đầu vào đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch cán bộ...