Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, năm 2016, số người nhiễm HIV mới là 112 người (giảm 84 % so với năm 2011); số người làm xét nghiệm HIV là 8.462 người (tăng 28,4% so với năm 2011) và số người được điều trị ARV là 3480 người (tăng 72% so với năm 2011). |
Có mặt tại đây, chị N.T.L, sinh năm 1989, ở tổ 14, T.P Thái Nguyên tâm sự: “Khi biết mình nhiễm HIV, hơn một năm qua, tôi sống tủi nhục, mặc cảm với mọi người. Thông qua Hội Chữ thập đỏ địa phương, tôi biết đến Dự án và đăng ký tham gia. Qua sinh hoạt, tâm lý như được giải tỏa vì tôi nhận được sự đồng cảm của mọi người, hiểu thêm về quyền lợi của người có HIV, thông tin về dịch vụ chăm sóc và điều trị bệnh”. Còn ông N.V.T, sinh năm 1975, ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Tham gia, tôi hiểu ra rằng chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng đối với người có HIV. Đơn cử như việc kiểm soát cảm xúc khi bị người xung quanh tỏ thái độ kỳ thị hay kỹ năng tiết lộ tình trạng HIV để nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ chăm sóc từ phía gia đình”.
Dự án còn tổ chức các buổi truyền thông tại nhà của người có HIV, giúp người thân chủ động phòng tránh bảo vệ bản thân, đồng thời xóa bỏ khoảng cách với người có HIV. Chẳng hạn như trường hợp của cháu N.M.Đ, sinh năm 2000, ở xã Bình Sơn, T.P Sông Công. Cách đây 2 năm, bố mẹ cháu Đ. qua đời, bỏ lại cháu với căn bệnh HIV và sống trong sự ghẻ lạnh của ông bà, cô dì. Năm 2015, thông qua Hội Chữ thập đỏ và chính quyền địa phương, các TVNC đã đến gặp người thân của cháu Đ., tuyên truyền để họ hiểu được HIV không lây qua đường tiếp xúc thông thường; thái độ xa lánh, bỏ rơi càng làm cho hành vi muốn lây bệnh sang người khác tăng lên… Nhờ đó, hơn một năm qua, gia đình đã có thể thoải mái sinh hoạt chung một mái nhà và theo dõi việc tuân thủ điều trị ARV của cháu Đ.
Từ năm 2011 đến nay, Dự án đã tổ chức trên 3 nghìn buổi truyền thông cho hơn 9 nghìn lượt người trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài những buổi truyền thông cho người ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV, Dự án còn tổ chức truyền thông nhóm nhỏ tại văn phòng truyền thông (thuộc trụ sở của Hội Chữ thập đỏ tỉnh) cho nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV (bao gồm: phụ nữ bán dâm, đồng tính nam, nghiện chích ma túy). Văn phòng truyền thông hình thành đã giúp các đối tượng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận thông tin về phòng ngừa, chăm sóc, điều trị HIV trước rào cản của sự kỳ thị và phân biệt từ xã hội. Theo đó, nhóm đồng đẳng viên đã kết nối, truyền thông thay đổi hành vi cho hơn 13 nghìn lượt người là phụ nữ bán dâm, đồng tính nam, nghiện chích ma túy; tìm các tụ điểm để phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, gel bôi trơn cho các đối tượng. Anh L.H.L, sinh năm 1996 ở phường Mỏ Chè, T.P Sông Công (đối tượng đồng tính nam) cho biết: “Người đồng tính hay gái mại dâm thường hoạt động nhóm kín đáo nên rất hạn chế thông tin và kỹ năng về phòng, chống HIV. Thông qua các TVNC của Dự án, chúng tôi được kết nối lại với nhau, tự tin trao đổi với giảng viên những băn khoăn, thắc mắc về tình dục an toàn, kỹ năng thuyết phục bạn tình sử dụng bao cao su; thực hiện xét nghiệm HIV sớm để được điều trị an toàn…”.
Ông Lê Ngọc Duệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trưởng ban Dự án đánh giá Với lực lượng nòng cốt là những đồng đẳng viên, Dự án đã thuận lợi kết nối, thiết lập mạng lưới những người bị ảnh hưởng trực tiếp và nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Qua đó, truyền thông nâng cao nhận thức; tư vấn xét nghiệm sớm HIV đã giúp nhiều đối tượng kịp thời tiếp cận với dịch vụ điều trị ARV và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm mới ra cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, trong hơn 10 nghìn lượt người tìm đến phòng tư vấn hỗ trợ xét nghiệm HIV đã có hơn 2 nghìn lượt hồ sơ với dương tính HIV được Ban quản lý Dự án chuyền gửi về các phòng khám ngoại trú điều trị. Đến nay, Dự án đang dần đi vào giai đoạn kết thúc. Nhưng với hiệu quả có được, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tiếp tục duy trì nhóm TVNC và mô hình phòng tư vấn để tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng và nhóm nhỏ; phối hợp với phòng khám ngoại trú kiểm tra, theo dõi tình hình điều trị ARV của người có HIV sau khi được chuyển gửi…