Cập nhật: Chủ nhật 02/04/2017 - 15:41

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu 90-90-90 trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển công tác chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV vào hệ thống y tế chung sử dụng nguồn bảo hiểm y tế, dự án thí điểm mô hình giảm phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế đã được khởi động vào cuối năm 2016.

Dự án được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh với hỗ trợ của Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS). Đây là một trong những nỗ lực của Cục Phòng chống HIV/AIDS nhằm thúc đẩy việc giảm và tiến tới xóa bỏ phân biệt đối xử liên quan đến HIV, góp phần kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

 

Triển khai mô hình, Trung tâm phòng, chống AIDS Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành sửa đổi công cụ điều tra đánh giá tình hình phân biệt đối xử liên quan đến HIV để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Sau đó, công cụ này đã được sử dụng để khảo sát đối với 600 cán bộ y tế và người sử dụng các dịch vụ HIV tại 3 cơ sở y tế của Thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong các cơ sở y tế. 40% người nhiễm HIV tham gia khảo sát cho biết đã từng bị phân biệt đối xử tại cơ sở y tế. Nhiều cán bộ y tế (khoảng 70%) đã áp dụng các biện pháp dự phòng quá mức khi khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV do lo sợ có thể bị lây nhiễm.

 

Dựa trên kết quả khảo sát, Trung tâm phòng, chống AIDS Thành phố Hồ Chí Minh đang cùng 3 cơ sở y tế nâng cao kiến thức về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; các kỹ năng chuyên môn liên quan đến HIV cho nhân viên y tế. Các chuyên gia đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn phù hợp với thực tế tại 3 cơ sở để có thể áp dụng cho Việt Nam khi mô hình được mở rộng trên toàn quốc.

 

Chương trình hành động toàn cầu về xóa bỏ phân biệt đối xử trong môi trường y tế do UNAIDS và Liên minh lực lượng lao động y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng khởi xướng nhằm khuyến khích, thúc đẩy sự tôn trọng quyền bình đẳng, hướng tới mục tiêu mọi người đều được sống khỏe.

 

Theo khuyến cáo của Chương trình hành động toàn cầu, các kế hoạch quốc gia nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử trong môi trường y tế cần bảo đảm 7 vấn đề ưu tiên. Một số vấn đề đặc biệt đáng lưu ý trong nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở Việt Nam như: Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng tốt, kịp thời cho cả người bệnh có nhiễm HIV hay có các vấn đề sức khỏe khác (như bán dâm và sử dụng ma túy); tôn trọng sự riêng tư và quyền bảo mật của người bệnh; nghiêm cấm xét nghiệm không tự nguyện hay thực hiện các can thiệp y tế cưỡng ép; bảo đảm có sự tham gia của các cộng đồng bị phân biệt đối xử trong toàn bộ hoạt động này...

T.H