Những con số khổng lồ
Về tổ chức bộ máy, không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Về biên chế, cần tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh trong các tổ chức của hệ thống chính trị (trích nội dung Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”) . |
Tính đến cuối năm 2016, số người hoạt động không chuyên trách hưởng hỗ trợ từ ngân sách địa phương ở cấp xã, xóm/tổ dân phố của tỉnh ta là 46.180 người. Trong đó, cấp xã có 28 chức danh (CD), với 3.926 người; các xóm/tổ dân phố có 18 CD, với 42.254 người.
Chỉ nói riêng các CD ở xóm/tổ dân phố, năm 2013, nhằm đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 64-KL/TW, cho phép số người hoạt động không chuyên trách ở xóm không quá 3 CD. Nếu vậy, cả tỉnh chỉ có 9.096 người được hưởng hỗ trợ từ ngân sách. Việc tăng thêm 15 CD với 33.153 người được hưởng hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với những CD tham gia công tác ở xóm/tổ dân phố, nhưng cũng thêm áp lực lớn đè lên ngân sách vốn đã khó khăn.
Chi tiết hơn, toàn tỉnh có 3.032 xóm/tổ dân phố thì 100% có ban công tác mặt trận và chi hội phụ nữ; 98% có chi đoàn... Đặc biệt, số chi hội nông dân ở phường (nơi còn rất ít đất nông nghiệp) lại tăng 89 chi hội so với năm 2011. Điển hình là T.X Phổ Yên, từ một huyện thuần nông nay đã trở thành thị xã công nghiệp (công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm gần 97%; sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%) nhưng 100% các xóm/tổ có chi hội nông dân. Ngoài các CD là chi hội trưởng nông dân, bí thư chi đoàn, trưởng ban công tác Mặt trận, ở các xóm/tổ còn nhiều CD khác hưởng phụ cấp từ ngân sách, gồm các chi hội trưởng: Phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thôn đội trưởng, công an viên, bảo vệ dân phố, nhân viên y tế thôn, cộng tác viên dân số - gia đình - bảo vệ trẻ em, chữ thập đỏ… Nếu tính trung bình mỗi CD lĩnh 150.000 đồng/tháng (một số CD lĩnh cao hơn), ngân sách của tỉnh phải chi hơn 6,3 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, 180/180 xã, phường, thị trấn của tỉnh không cân đối được thu - chi ngân sách (tổng thu ngân sách cấp xã năm 2016 là 80,57 tỷ đồng nhưng tổng chi gần 982 tỷ đồng).
Tổ chức Đoàn Thanh niên hoạt động èo uột
Dù được Huyện đoàn Định Hóa đánh giá khá cao, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, anh Lương Anh Nghiêm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phượng Tiến vẫn bày tỏ nhiều trăn trở. Khó khăn lớn nhất đối với Đoàn xã hiện nay là số lượng đoàn viên thanh niên sinh hoạt thường xuyên giảm mạnh (từ 300 đoàn viên năm 2011 nay chỉ còn 130 người). Nguyên nhân là thanh niên đi làm ăn xa nhà ngày càng nhiều nên không ít người dù vẫn có tên trong danh sách nhưng cả năm mới sinh hoạt 1-2 lần. Theo anh Nghiêm, nếu đúng Điều lệ Đoàn thì người 30 tuổi trở lên có thể trưởng thành Đoàn và những đoàn viên tự ý bỏ sinh hoạt từ 3 tháng trở lên sẽ bị xóa tên, thì số đoàn viên của xã sẽ ít hơn nhiều. Đoàn Thanh niên xã hiện có 19 chi đoàn, trong đó 15 chi đoàn nông thôn. Những chi đoàn này đều có rất ít đoàn viên, điển hình như các chi đoàn: Hợp Thành, Nạ Liền, Nạ Pọc... chỉ có vài ba đoàn viên và “bộ khung” ở địa phương.
Do thiếu vắng đoàn viên, đặc biệt là thiếu những nhân tố tích cực, nên một số chi đoàn rất khó khăn mới “kiếm” đủ ban chấp hành, nhất là chức danh bí thư. Cụ thể như Chi đoàn xóm Hợp Thành, Chi bộ phải ra sức động viên, thậm chí dùng nghị quyết để “ép” một Chi ủy viên đã 36 tuổi làm Bí thư Chi đoàn. Ở xóm Nạ Liền, Trưởng xóm kiêm Bí thư Chi đoàn; còn Bí thư Chi đoàn xóm Nạ Pọc là một giáo viên dạy học xa nhà.
Tương tự, hoạt động của tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Chị Bùi Bé Song, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hóa Trung thẳng thắn nhìn nhận: Địa phương hiện có 16 chi đoàn (trong đó có 13 chi đoàn nông thôn) với trên 120 đoàn viên, chia bình quân mỗi chi đoàn chỉ có hơn 7 đoàn viên. Nhiều người mải lo làm ăn, vun vén cho gia đình nên không mặn mà trong việc tham gia sinh hoạt Đoàn, dẫn đến tình trạng các chi đoàn phải thường xuyên kiện toàn lại và thay đổi bí thư liên tục. Như ở Chi đoàn xóm Hang Cô, trong 2 năm qua đã “đổi” bí thư đến 3 lần, trong khi đó muốn tạo được niềm tin, sự gắn kết giữa đoàn viên, thanh niên với “thủ lĩnh” thì cần có một thời gian tương đối dài. Thêm một nguyên nhân nữa khiến cho các chi đoàn cơ sở bị “chìm” là những phong trào thanh niên ở địa bàn dân cư ít được chú trọng, hình thức sinh hoạt không sinh động, sáng tạo. Dẫn chứng về điều này, một đoàn viên ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ (xin được giấu tên) chia sẻ: Các hoạt động Đoàn chủ yếu diễn ra vào những dịp lễ kỷ niệm hoặc Tháng Thanh niên, Mùa hè tình nguyện, chúng tôi cũng chỉ “quanh quẩn” phát quang bụi rậm, quét dọn vệ sinh, tham gia 1-2 ngày công lao động xây dựng các công trình ở địa phương. Do những hoạt động theo kiểu “lối mòn” cũ kỹ này khiến cho các đoàn viên cảm thấy nhàm chán, tổ chức Đoàn mất đi sự thu hút...
Mạnh dạn bỏ bớt để thu hẹp
Đồng chí Nguyễn Minh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hội (Đại Từ): Ở cấp xã có thể ghép một số tổ chức như Hội Cựu chiến binh với Hội nạn nhân chất độc da cam và Hội Cựu thanh niên xung phong, Ủy ban MTTQ với Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ với Hội Khuyến học. |
Đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Bí thư Chi bộ xóm Hợp Thành (Phượng Tiến, Định Hóa): Thời gian qua, chúng tôi vừa chỉ đạo, vừa động viên, vừa có lúc phải làm thay Chi đoàn Thanh niên một số việc. |
Hoạt động thất thường, èo uột như vậy nhưng mô hình chi đoàn vẫn duy trì ở hầu hết các xóm/tổ dân phố trong toàn tỉnh với gần 3.000 bí thư chi đoàn hưởng phụ cấp từ ngân sách. Không chỉ tổ chức Đoàn, nhiều tổ chức khác như: chi hội nông dân, chữ thập đỏ, cựu chiến binh, khuyến học, người cao tuổi… ở nhiều nơi cũng chung tình trạng ít hội viên, hoạt động thưa thớt, hiệu quả hạn chế.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy chính trị và hoạt động đoàn thể, ông Trần Danh Cự, ở tổ 14, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) thẳng thắn đề xuất: Theo tôi, các tổ chức như chi hội người cao tuổi, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam nên do một người đảm nhiệm (vì cơ bản, các tổ chức này có số lượng hội viên ít, tôn chỉ, mục đích hoạt động tương đương nhau). Từ thực tế tôi nhận thấy, nhiều tổ chức mỗi năm chỉ sinh hoạt từ 1-2 lần, cá biệt có tổ chức cả năm không hoạt động lần nào.
Còn chị Nguyễn Thị Mẫn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nhã Lộng (Phú Bình) tính toán cụ thể: Xã tôi có 14 xóm, tương đương có 14 chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ. Nếu để chi hội trưởng chữ thập đỏ kiêm các chức danh như: Y tế thôn bản, chi hội trưởng phụ nữ, nông dân... thì cũng hợp lý vì công việc ở xóm thường là chỉ theo dõi, cập nhật tình hình của các hội viên và tổng kết cuối năm. Như tại xã Nhã Lộng có bà Lê Thị Thư ở xóm Thanh Đàm và bà Dương Thị Sinh ở xóm Trại đều đang kiêm hai CD Chi hội trưởng Chữ thập đỏ và Nông dân nhưng vẫn lãnh đạo xây dựng Chi hội hoạt động mạnh, hiệu quả.
Ở cấp xã cũng nên nhóm gọn một số tổ chức hội, đoàn thể. Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cù Vân (Đại Từ): Trên địa bàn xã, một số tổ chức hội chưa phát huy được vai trò của mình trong việc tập hợp, đại diện cho lợi ích của các hội viên, chưa thể hiện được là tổ chức góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương, chẳng hạn như: Hội đông y, hội làm vườn, hội người cao tuổi... Vì vậy, nên xã hội hóa các tổ chức này và đưa về một mối là Ủy ban MTTQ quản lý.
Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) có thêm ý kiến: Theo tôi nên nhập các tổ dân phố có từ trên 100 hộ dân đến dưới 200 hộ dân, mức tối thiểu là 250 hộ dân/tổ. Khi chọn lựa cán bộ cơ sở có năng lực, trách nhiệm thì quy mô này vẫn điều hành công việc hiệu quả và sẽ giảm được nhiều đầu mối với hàng nghìn CD phải chi trả hỗ trợ hàng tháng.
Từ những vấn đề chúng tôi đề cập đến trên đây, chứng tỏ một điều: Đã đến lúc tỉnh cần rà soát để “siết” lại các CD hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm/tổ dân phố trên tinh thần gọn lại nhưng phải mạnh. Đồng thời, người kiêm nhiệm được hưởng mức hỗ trợ tương xứng với công việc họ được giao.