Kể từ khi được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Cù Vân đến nay tuy chưa đầy 1 năm nhưng anh Đặng Cương Quyết đã bắt nhịp và thực hiện khá tốt vai trò của mình đối với địa phương. Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cù Vân nhận xét: Từ ngày có Bí thư Đảng ủy xã là cán bộ huyện được luân chuyển về, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có phần thuận lợi, quyết liệt hơn và đi vào nền nếp, tinh thần dân chủ được phát huy, khắc phục được tình trạng cục bộ địa phương.
Tại thời điểm luân chuyển, anh Quyết là Trưởng phòng Nội vụ huyện. Trước đó, anh đã có nhiều năm là Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ. Anh chia sẻ: Về cơ sở làm nhiệm vụ mới, quy mô nhỏ hơn nhưng lượng công việc lớn hơn và nhiều lĩnh vực. Thực tế công việc buộc mình phải nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kiến thức và tư duy nhiều hơn. Mặc dù mọi công việc đều có sự bàn bạc thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ nhưng với vai trò là Bí thư Đảng ủy, tôi phải thể hiện rõ vai trò của mình, muốn vậy thì phải hiểu, nắm vấn đề. Bởi vậy, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, tôi thường xuyên xuống cơ sở, trực tiếp đối thoại với nhân dân, nắm bắt tình hình.
Từ ngày về nhận nhiệm vụ tại Cù Vân, điều mà tân Bí thư Đảng ủy luôn trăn trở là làm sao đưa địa phương này phát triển xứng tầm với xã cửa ngõ của huyện. Sản xuất nông nghiệp của xã là thế mạnh nhưng đầu ra của nông sản còn khó khăn. Công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều tồn tại cần phải giải quyết. Để gỡ từng “nút thắt”, dưới sự chỉ huy của người đứng đầu, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã đã thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công lại nhiệm vụ, trách nhiệm của thành viên Ban Chấp hành. Xã tập trung giải quyết dứt điểm những hồ sơ về đất đai, nhất là những trường hợp tồn đọng, kéo dài; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, xã tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải, đồng thời giao trách nhiệm cho các xóm phát hiện, xử lý những trường hợp vứt rác bừa bãi ra đường; tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường trong chăn nuôi; quy hoạch và quản lý nghĩa trang…
Nói đến công tác luân chuyển, thị trấn Hùng Sơn (trước đây là xã Hùng Sơn, nay sáp nhập thị trấn Đại Từ và xã Hùng Sơn) là một trong “cái nôi” tiếp nhận và rèn luyện cán bộ của huyện. Đã có nhiều người sau khi thử thách ở địa phương này đã trưởng thành và được bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn. Hiện nay, Bí thư Đảng ủy thị trấn cũng là một cán bộ được Huyện ủy luân chuyển xuống đảm nhiệm chức vụ. Đó là anh Nguyễn Hữu Quyết, trước khi về cơ sở, là Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Đại Từ. Sau 2 năm về lãnh đạo, anh đã duy trì và phát huy được sức lãnh đạo, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa Đảng bộ và nhân dân, góp phần vào những nhiều thành tích, Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền…
Anh Nguyễn Hữu Quyết cho biết: Những kết quả trên đều là kết quả chung của tập thể đoàn kết, trách nhiệm. Đối với Đảng bộ thị trấn Hùng Sơn thì trước hết là coi trọng công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo luôn bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chấp hành, lấy đánh giá hiệu quả công việc gắn với thi đua, khen thưởng. Ban Thường vụ Đảng ủy cũng rất coi trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc. Mục tiêu của Hùng Sơn là trở thành đô thị loại 4 vào năm 2020 theo nghị quyết của Đảng bộ huyện và Đảng bộ thị trấn. Do vậy, Đảng bộ và từng cá nhân cần phải nỗ lực hơn, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đặc biệt là đối với người đứng đầu.
Đồng chí Cao Việt Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đại Từ, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Huyện ủy Đại Từ đã luân chuyển 6 cán bộ về giữ chức vụ chủ chốt tại cơ sở. Ngoài thị trấn Hùng Sơn và xã Cù Vân còn có 4 cán bộ được luân chuyển về tham gia lãnh đạo ở thị trấn Quân Chu, các xã: Yên Lãng, Na Mao và Tân Thái. Căn cứ vào kế hoạch luân chuyển của Huyện ủy Đại Từ, đến thời điểm nay, địa phương cơ bản đã hoàn thành mục tiêu luân chuyển cán bộ (từ huyện xuống cơ sở) của cả nhiệm kỳ. Điều thuận lợi là người được luân chuyển đều nằm trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo nên họ đều thể hiện được vai trò, trách nhiệm và năng lực tại cơ sở.
Còn đồng chí Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại từ nhấn mạnh: Các trường hợp luân chuyển, Thường trực Huyện ủy đều gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng trước khi Ban Thường vụ thảo luận và ra quyết định. Bên cạnh đó, Huyện ủy quán triệt, chỉ đạo nơi đi và nơi đến phải tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho cán bộ luân chuyển. Việc luân chuyển phải xuất phát từ nhu cầu của từng địa phương, Ban Thường vụ cân nhắc, lựa chọn cán bộ (trong diện quy hoạch) đưa xuống cho phù hợp với cơ sở, đồng thời có thể phát huy năng lực của người được luân chuyển. Công tác luân chuyển phải đảm bảo đúng quy trình, quy định, công khai, dân chủ, khách quan. Định kỳ hằng năm và thời điểm sắp hết thời gian luân chuyển, cấp ủy đảng, thủ trưởng nơi tiếp nhận cán bộ phải tổ chức đánh giá, nhận xét ưu điểm, hạn chế và kết luận mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng phát triển của cán bộ luân chuyển kèm theo kiến nghị đề xuất gửi Ban Thường vụ Huyện ủy.
Cũng theo Đồng chí Bí thư Huyện ủy Đại Từ, trên nền tảng và kết quả trong công tác luân chuyển cán bộ từ những giai đoạn trước, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác này. Đặc biệt trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng việc luân chuyển cán bộ chủ chốt từ xã, thị trấn này sang xã, thị trấn khác. Công tác này không chỉ nhằm mục đích rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách mà còn phòng ngừa tư duy bảo thủ, chuyên quyền khi cán bộ công tác ở một vị trí, một địa bàn lâu năm mà còn khắc phục khuynh hướng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, tạo động lực phát triển chung cho địa phương.